(HNM) - Triển khai thỏa thuận hợp tác giữa UBND thành phố và các doanh nghiệp về đầu tư công trình ngầm, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã và đang thực hiện 3 đợt thi công tại 119 tuyến phố.
Sự phối hợp đồng bộ đầu tư và thi công công trình hạ ngầm sẽ tiết kiệm kinh phí, thời gian và hạn chế các ảnh hưởng khác. |
Chỉ hai đơn vị cơ bản bảo đảm tiến độ
Trong đợt 1 (phương án đã duyệt năm 2016), Hà Nội và các doanh nghiệp viễn thông, điện lực (gồm Tổng công ty Điện lực Hà Nội - EVN HANOI, Tập đoàn VNPT, Viettel và Tổng công ty MobiFone) đã thi công tại 18 tuyến phố. Kết quả, các đơn vị đã hạ ngầm đường dây đi nổi tại 17/18 tuyến, trừ phố Thụy Khuê do MobiFone làm chủ đầu tư vừa thi công trong quý II-2018.
Đợt 2 (phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, có thêm Tập đoàn FPT tham gia), trong số 56 tuyến phố, đến nay, EVN HANOI hoàn thành thi công phần việc của mình tại 41 tuyến. Các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành thi công phần việc của mình tại 34 tuyến; 27 tuyến đã cắt dây cáp cũ và hoàn thành phần hạ ngầm, 4 tuyến thi công xong hạ ngầm, chuẩn bị cắt dây (gồm Nguyễn Khuyến, Thái Thịnh, Chùa Láng, Trần Quang Diệu - Trung Liệt), 2 tuyến đang thi công (Ngô Thì Nhậm, Lê Văn Hưu).
Như vậy, so với phương án đã duyệt, EVN HANOI hiện còn 15 tuyến phố chưa thi công phần hạ ngầm; FPT có 9 tuyến, Viettel 5 tuyến, MobiFone 4 tuyến, VNPT Hà Nội 4 tuyến. Cả 15 tuyến phố EVN HANOI chưa thi công cũng là các tuyến mà các doanh nghiệp viễn thông chưa thi công, đều nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Đợt 3 (thành phố duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2017, đầu năm 2018), trong số 45 tuyến hạ ngầm, đến thời điểm này mới có VNPT Hà Nội đang thi công 3 tuyến Sơn Tây, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Bún; cũng tại 3 tuyến này, EVN HANOI thi công xong phần đặt ống ngầm.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng cộng cả 3 đợt, Hà Nội đã phê duyệt chủ trương hạ ngầm tại 119 tuyến phố cho 6 doanh nghiệp điện lực và viễn thông (có thêm Tập đoàn CMC tham gia đợt 3, đảm nhận thi công công trình ngầm tại 4 tuyến phố).
Trong đó, EVN HANOI hoàn thành phần đầu tư tại 62/119 tuyến phố; VNPT Hà Nội thi công xong tại 20/39 tuyến được giao; FPT đã thi công xong 11/32 tuyến; Viettel xong 21/31 tuyến; MobiFone xong 6/13 tuyến; CMC chưa thi công. Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp thi công đều chậm tiến độ, chỉ có EVN HANOI và VNPT Hà Nội cơ bản bảo đảm tiến độ chung.
Cấp phép thi công chung cho nhiều đơn vị
Loại bỏ “rác trời”, tạo nên diện mạo mới cho đường phố. Ảnh: Giang Sơn |
Về nguyên nhân chậm tiến độ, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, giữa các doanh nghiệp điện lực và viễn thông chưa có sự phối hợp thi công, nên có tình trạng sau khi bên điện lực hoàn thành phần việc của mình, bên viễn thông lại đào lên, gây ảnh hưởng tiến độ chung và vệ sinh môi trường, sinh hoạt của nhân dân. Riêng các tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (còn 15 tuyến chưa thi công), các doanh nghiệp điện lực và viễn thông đã phối hợp lập và nộp biện pháp thi công chung cho UBND quận, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phép triển khai, do UBND quận Hoàn Kiếm đang có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, nên phương án thi công công trình ngầm cũng sẽ được xem xét cùng với các phương án chung của quận.
Còn theo các doanh nghiệp viễn thông, việc thi công đặt ống ngầm dưới hè đường còn nhiều khó khăn do vướng các công trình ngầm, nổi, mặt bằng chật hẹp nên tiến độ thi công bị ảnh hưởng, chưa bảo đảm kỹ thuật. Chưa kể việc lắp đặt các tủ kỹ thuật trên hè tại một số tuyến chưa được người dân ủng hộ cũng gây khó khăn cho đơn vị thi công.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2018, để bảo đảm việc thi công thống nhất, không bị chồng chéo giữa các đơn vị, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp, thống nhất phương án thi công đồng thời trên cùng một tuyến phố. Tại Thông báo số 315/TB-UBND ngày 30-3-2018, thông báo kết luận cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố, Sở Xây dựng được giao là đầu mối chịu trách nhiệm xác định hướng tuyến, phương án tổ chức thi công, kiểm tra thống nhất biện pháp thi công chung và gửi Sở Giao thông - Vận tải cấp phép.
“Như vậy, các chủ đầu tư phải phối hợp với nhau để xin 1 giấy phép thi công chung. Giấy phép này sẽ cấp cho EVN HANOI nhằm tránh trường hợp đào đi, đào lại, tiết kiệm kinh phí và rút ngắn thời gian thi công, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân và cảnh quan môi trường” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đại diện các nhà mạng, việc cấp phép thi công chung cũng đặt ra "bài toán" cho các đơn vị, bởi vì mỗi đơn vị có cơ quan chủ quản khác nhau (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, hoặc công ty cổ phần), nên kế hoạch nguồn vốn, trình tự thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu có các quy định khác nhau...
Về kế hoạch hạ ngầm trong thời gian tới, sau khi Sở Xây dựng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông gửi văn bản thông báo danh mục hạ ngầm đợt 4 (lần 2 năm 2018), đã có 60 tuyến phố được các doanh nghiệp đăng ký tham gia. Kế hoạch này đang được liên ngành Xây dựng - Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến các sở, ngành thành phố, chuẩn bị trình UBND thành phố trong tháng 6-2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.