Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Hà Phong| 01/05/2022 08:15

(HNM) - Trong 3 tháng đầu năm 2022, có gần 209.000 người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần (tăng 1% so với cùng kỳ). Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi người lao động, có thể lợi trước mắt, nhưng thiệt về lâu dài…

Tư vấn lợi ích khi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (quận Cầu Giấy).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trước tiên, phải kể đến điều kiện thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay khó khăn.

Qua điều tra, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 năm qua, Chính phủ không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp chỉ duy trì mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I: 4,42 triệu đồng, vùng II: 3,92 triệu đồng, vùng III: 3,42 triệu đồng và vùng IV: 3,07 triệu đồng.

Mặt khác, dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. Một bộ phận đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, phải rút chính những đồng tiền tích cóp từ đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết nhu cầu trước mắt vì không còn nguồn nào khác. Ngoài ra, phải kể đến các quy định của pháp luật về hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc người lao động xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách an sinh (2012-2022), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 10,2 triệu lên 16,6 triệu người vào cuối năm 2021. Số lao động tham gia thêm khoảng 6,4 triệu người, chiếm khoảng 33% lực lượng trong độ tuổi, vẫn là mức thấp. Thống kê bình quân giai đoạn này mỗi năm có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng nghĩa với hai người tham gia vào hệ thống thì một người rời đi. Người rút gia tăng qua từng năm tạo thành xu hướng, gây áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.

Theo Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần rất thiệt thòi cho họ vì tự tước bỏ các chế độ ngắn hạn như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đặc biệt là rời bỏ những chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Theo quy định, tổng mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội hằng năm của người lao động bằng 2,64% tháng lương. Nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì được thanh toán bằng 2 tháng lương cho 1 năm tham gia bảo hiểm xã hội; như vậy, người lao động bị mất 0,64% tháng lương mỗi năm.

Để giải quyết tình trạng trên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó quan trọng nhất là tạo được niềm tin của người lao động với các chính sách như hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế... song song với nghiên cứu giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm; có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ tránh doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Giải pháp bền vững nhất là tăng cường quyền lợi cho người lao động.

Theo đó, tiền lương phải bảo đảm đời sống người lao động và gia đình họ, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro. Quá trình triển khai, cần đặc biệt quan tâm chính sách hỗ trợ cho người lao động nữ. Bởi qua khảo sát, lao động nữ nhận bảo hiểm xã hội một lần cao hơn lao động nam. Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam đã đề xuất bổ sung trợ cấp cho bà mẹ và trẻ em, để giảm áp lực tài chính cho người lao động, nhất là lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Với chính sách này, có thể thực hiện trợ cấp đa tầng, tầng 1 dành cho nhóm lao động chưa đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội; tầng 2 áp dụng với nhóm đóng bảo hiểm xã hội với mức trợ cấp cao hơn.

Tiến sĩ Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, cần có cơ chế, chế tài, hệ thống giám sát, quản lý rõ ràng công khai thông tin kết quả kinh doanh hay thu - chi Quỹ Bảo hiểm xã hội như thế nào, ai được tiếp cận để người dân tin tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.