Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi ít, thiệt nhiều

Vũ Minh| 15/07/2021 16:42

(HNMO) - Tiền lương hưu và các chế độ, chính sách khác mà người lao động được hưởng sau quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là giá đỡ an sinh cho họ khi hết tuổi lao động. Do đó, việc tham gia BHXH là hình thức giúp người lao động có khoản tiết kiệm cho tuổi già, vừa góp phần chia sẻ với xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, vì nhiều nguyên nhân, số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng. Điều này khiến họ chỉ được lợi ít, mà chịu thiệt thòi nhiều.

Việc rút BHXH một lần khiến người lao động mất đi cơ hội thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội khi về già.

Nên cân nhắc khi tiêu “của để dành”

Người lao động rút BHXH một lần - khoản đóng góp, tích lũy được coi như của dành cho tuổi già là không sai, nhưng nên cân nhắc kỹ. Bởi, khi nhận BHXH một lần, đồng nghĩa người lao động rời khỏi hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ, đặc biệt là các chế độ dài hạn, như: Hưu trí, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí…

Từng rút BHXH một lần, chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (sinh năm 1978), tổ dân phố 34, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, chia sẻ: Năm 2015, nguồn thu nhập từ công việc làm công nhân cho một công ty sản xuất bao bì không đáng kể, nên chị quyết định nghỉ việc để ở nhà bán hàng. Thời điểm này, chị Hoa đóng BHXH được 14 năm, nhưng vì cần tiền làm vốn, nên chị đã rút BHXH một lần. “Sau khi sử dụng “của để dành” cho nhu cầu trước mắt, cuộc sống của tôi vẫn chưa hết khó khăn. Trong khi đó, mỗi lần đi viện khám, chữa bệnh, tôi phải trả 100% chi phí điều trị. Lúc này, tôi mới hiểu ra, có nhiều cách giúp chúng ta vượt qua khó khăn, không nhất thiết phải rút BHXH một lần. Vì thế, chỉ một năm sau rời khỏi hệ thống BHXH, tôi đã tham gia lại thông qua chính sách BHXH tự nguyện”, chị Hoa nói.

Không ít người trong cuộc và đại diện các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo không nên rút BHXH một lần. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người rời khỏi hệ thống BHXH khá nhiều. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, số người đề nghị hưởng BHXH một lần trên phạm vi cả nước là hơn 3,7 triệu người (trung bình mỗi năm gần 750.000 người), tương ứng với 2 người tham gia mới, thì có một người rời hệ thống. Cần quan tâm hơn, số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Dưới góc độ triển khai chính sách, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành giải quyết cho 561.570 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân là ảnh hưởng về việc làm, số người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc tăng, chủ yếu là lao động trẻ, chưa có nguồn tích lũy, nên họ cần tiền để trang trải cho cuộc sống. Nguyên nhân khác là việc thiết kế chính sách BHXH có một số điểm còn thiếu linh hoạt, khiến một số người không đủ điều kiện, khả năng để tham gia cho đến khi đủ thời gian hưởng lương hưu...

Điều chỉnh phải hợp lý, thuận tình

Số người rút BHXH một lần tăng nhanh, trong khi tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH còn thấp (hiện mới đạt gần 32,5%) ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội. Phó Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng, hiện nay, cả nước có hơn 60% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp xã hội, đồng nghĩa với việc họ phải sống dựa vào con cháu, gia đình hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh. Điều này lý giải vì sao, gần 46% người từ 60-64 tuổi, gần 30% người từ 70-79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi ở nước ta vẫn phải lao động để kiếm sống.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngoài các chính sách đã triển khai, hiện nay, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh các quy định liên quan đến việc hưởng BHXH một lần. Cụ thể, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo, Bộ đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm theo quy định hiện hành, xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp. Quy định này tạo điều kiện cho người lao động có số năm tham gia BHXH thấp, vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, qua đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Điều kiện hưởng BHXH một lần được đề xuất điều chỉnh theo hướng: Mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH một lần bằng 1 tháng lương bình quân mà người lao động đã đóng BHXH (giảm 50% so với quy định hiện hành).

Theo Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, hưu trí là chính sách lâu dài, bền vững và có lợi nhất cho người lao động khi tham gia BHXH. Do đó, đề xuất thắt chặt hơn điều kiện hưởng BHXH một lần nhằm mục đích giảm số người nhận BHXH một lần, để giữ lại “của để dành” cho họ. Tuy nhiên, việc giảm sâu mức hưởng sẽ khiến những người thực sự cần rút BHXH một lần bị thiệt thòi, nên các bên liên quan cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra phương án sao cho hợp lý, thuận tình. Phương án giảm nên theo lộ trình, giảm từ từ...

Dưới góc nhìn khách quan, ông André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, nếu có việc làm, thu nhập đều đặn, chắc chắn người lao động sẽ duy trì việc đóng bảo hiểm xã hội. Vì thế, để giảm số người rút BHXH một lần, vấn đề cốt lõi là các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động, nhất là lao động trẻ, lao động ở khu vực nông thôn.

Dù triển khai theo hướng nào, thì việc người lao động rút BHXH một lần chỉ có lợi trước mắt, mà thiệt thòi về lâu dài cho chính họ, gia đình và xã hội. Vì thế, trước hết, bản thân mỗi người nên cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi ít, thiệt nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.