(HNM) - Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ý kiến của nhiều đại biểu về ngành điện
Bị cắt điện thì nơi nào chẳng nóng. Ở TP Hồ Chí Minh, những ngày này đang cắt điện trên diện rộng, một số địa phương khác điện cũng bị cắt kéo dài. Cá biệt có những nơi 23 giờ liền (tức là gần trọn một ngày) không có điện. Thời bình mà phải sống trong cảnh dầu, nến như thời chiến. Và đáng nói hơn, là chuyện bị cắt điện đến giờ xưa như trái đất, năm nào cũng diễn ra, chỉ mới đầu đông đã lo chuyện thiếu điện mùa hè...
Lý do mà ngành điện đưa ra vẫn luôn là sản lượng điện không đủ để cung cấp theo nhu cầu, nói nôm na tức là thiếu điện thì phải cắt. Đơn giản vậy thôi. "Rụp" một cái là xong! May mắn thì người dân, doanh nghiệp còn được báo trước lịch cắt điện, bằng không phải khổ vì "trở tay không kịp"...
Lại tiếp chuyện của đại biểu Đồng Hữu Mạo: Khi nói đến hợp đồng mua bán điện giữa ngành điện và khách hàng, chúng ta cứ nghĩ hai bên phải ngang quyền và phải chịu trách nhiệm về việc phá hợp đồng. Nhưng lạ là, ngành điện cứ cắt điện mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Phần thiệt luôn ở phía người dân và doanh nghiệp. Để làm sáng tỏ thêm việc ngành điện liệu có phải chịu trách nhiệm gì về việc thiếu sản lượng điện hay không, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết: "Lãng phí, thất thoát điện năng trên các đường dây, trạm điện đến các hộ tiêu thụ lên tới 18-20% tổng lượng điện cả nước". Vậy trách nhiệm quản lý điện năng có thuộc về ngành điện?
Tương tự ngành điện là ngành nước. Hiện nay tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân của cả nước là khoảng 30% (tức 1,4 triệu mét khối/ngày), gây thiệt hại về kinh tế khoảng 165.000 tỷ đồng mỗi năm. Ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) mới đây, lãnh đạo đơn vị này hứa rằng 5 năm nữa thì tỷ lệ thất thoát nước sẽ giảm xuống còn 32% (hiện nay là trên 40%). Chắc chắn với tỷ lệ thất thoát lớn như vậy, chuyện thiếu nước sạch, không đủ áp lực đường ống dẫn đến một số khu vực dân cư... là đương nhiên. Và nếu thiếu quá thì lại... "rụp" một cái là xong, khách hàng là người chịu thiệt. Mà thiếu điện thì còn chịu được chứ cuộc sống không thể không có nước sinh hoạt, còn bằng cách nào để có nước sạch thì phải "tự thân vận động".
"Rụp" một cái là xong và khi tỷ lệ thất thoát (tức hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm) dù là điện hay nước, cứ chia đều cho người dân, doanh nghiệp chịu. Nếu chưa đủ thì lại đề xuất, kiến nghị tăng giá cho đủ, cho có lãi. Hợp đồng giữa người mua, người bán là một chuyện, nhưng xét cho cùng người dân hay doanh nghiệp đâu còn sự lựa chọn nào khác để có điện, có nước dùng trong sinh hoạt, sản xuất.
Thế nên, vẫn biết "rụp" một cái để cắt điện, cắt nước là không bình đẳng, nhưng làm thế nào được khi những "ông lớn" ấy vẫn bình chân như vại?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.