(HNM) - Hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ vừa phải hứng chịu một đòn giáng mới sau khi các nhà chức trách nước này tiếp tục phải chấp nhận đòi hỏi của
Động thái này được đưa ra sau khi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ James Cole gửi thư cho Chính phủ Thụy Sĩ, ra thời hạn chót là ngày 6-9 để 10 ngân hàng, trong đó có Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai đất nước Tây Âu này giao nộp thông tin về những công dân Mỹ bị nghi ngờ bí mật lập tài khoản ngân hàng ở nước này để trốn thuế. Phía Mỹ không giấu giếm ý định thu thập mọi dữ liệu về những khách hàng gửi ít nhất 50.000 USD tại các ngân hàng Thụy Sĩ từ năm 2002 đến tháng 7-2010. Nếu Thụy Sĩ không thực hiện yêu cầu, phía Mỹ có thể đưa ra một tráp hầu tòa và các ngân hàng Thụy Sĩ dự kiến sẽ phải trả tới 2 tỷ franc Thụy Sĩ (2,6 tỷ USD) tiền phạt và cung cấp số liệu nhiều hơn UBS.
Nhiều năm qua, Thụy Sĩ vẫn được coi là “Thiên đường trốn thuế” của giới nhà giàu. |
Xem ra cảnh báo của Mỹ không phải là lời nói suông. Vì cách đây 2 năm, Mỹ từng kiện ngân hàng UBS vì không chịu tiết lộ danh tính những khách hàng trong diện nghi vấn gây thất thoát tới hàng tỷ USD tiền thuế/năm. Vụ kiện gây chấn động thế giới này đã gây thiệt hại không nhỏ tới ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ khi phải nộp phạt tới 780 triệu USD cho phía Mỹ. Không dừng lại ở đó, một năm sau, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội nhiều nhân viên Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ vì đã tiếp tay cho các công dân và người đóng thuế ở Mỹ mở nhiều tài khoản bí mật lên tới 3 tỷ USD với mục đích trốn thuế.
Kể từ sau khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ vào cuối năm 2008 dẫn đến các khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, nhiều quốc gia đều muốn theo gương Mỹ điều tra tài khoản bí mật của những "đại gia" nước mình tại các "thiên đường trốn thuế" nhằm thu hồi số tiền gian lận, bất hợp pháp. Đây là một khoản đáng kể mà nhiều nước không thể bỏ qua. Vì thế, liên tục từ năm 2009, Thụy Sĩ phải đương đầu với yêu cầu nới lỏng luật bảo mật ngân hàng từ nhiều nước.
Nhưng vấn đề này hết sức đáng lo ngại bởi ngành ngân hàng đóng vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng của Thụy Sĩ. Lâu nay, các ngân hàng của Thụy Sĩ vẫn nhận được sự tin tưởng gần như tuyệt đối của nhiều khách hàng trên thế giới, giống như xe hơi sản xuất ở vùng Stuttgart của Đức hay công nghệ phần mềm từ thung lũng Silicon của Mỹ. Nếu niềm tin của khách hàng suy giảm, "thiên đường trốn thuế" sẽ phải đối mặt với tính trạng rút vốn ồ ạt tạo ra một làn sóng cực kỳ nguy hiểm tới hệ thống ngân hàng. Bằng chứng là mới đây, một số nhà đầu tư đã báo động sẽ rút khoảng 2.000 tỷ USD từ các ngân hàng của Thụy Sĩ để gửi sang các "thiên đường trốn thuế" khác.
Hiện tại, tổng tài sản của các ngân hàng Thụy Sĩ nắm giữ bằng 6,8 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vì vậy, khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng nước này sẽ là một mối nguy lớn, tương tự như cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ năm 2008 khiến hệ thống tài chính thế giới chao đảo đến tận thời điểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.