Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộng mở cánh cửa hội nhập: Tận dụng cơ hội để bứt phá

Hương Ly| 28/01/2016 06:59

(HNM) - Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa kết thúc đàm phán, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Ảnh: Thái Hiền


Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tận dụng thuận lợi và bứt phá.

Cơ hội lớn

Những rào cản thuế quan, hải quan gần như được gỡ bỏ hoàn toàn, thị trường xuất khẩu ngày càng rộng mở. Trên thực tế, việc tham gia các FTA, đặc biệt TPP, đem lại cơ hội rất lớn. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, da giày sẽ có mức thuế suất bằng 0%. Theo TS Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh), TPP là hiệp định có độ mở, mức tự do hóa cao nhất so với các hiệp định đang có. Trên thực tế, việc gia nhập WTO đã thúc đẩy việc hoàn thành thể chế kinh tế; lần này với việc gia nhập TPP, Việt Nam cũng phải đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế để tăng cường năng lực cạnh tranh.

Hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới sẽ mở ra những cơ hội làm ăn lớn khi thuế quan giảm, có những mặt hàng thuế suất sẽ bằng 0%, từ đó giúp các DN dễ dàng tìm kiếm những thị trường mới. Không chỉ các DN, người dân cũng được hưởng lợi rất lớn vì giá hàng hóa sẽ giảm mạnh sau khi các FTA có hiệu lực. Theo Bộ Công thương, chỉ riêng Hiệp định TPP sẽ giúp GDP tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD kim ngạch vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra "cú hích" lớn đối với hoạt động xuất khẩu. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc sang các thị trường này.

Tham gia TPP, nước ta có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Bởi, các nước tham gia TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Đặc biệt, tham gia TPP là cơ hội để nước ta tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, một trong những đột phá chiến lược.

Loại bỏ rào cản

Mặc dù tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra những cơ hội lớn để phát triển kinh tế song cũng đặt ra những thách thức lớn. Bởi, sau khi hàng loạt FTA được ký kết, sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn, nhất là với những ngành kinh tế có nội lực còn yếu. Một điều rất quan trọng là chúng ta phải sửa đổi các bộ luật cho phù hợp với các cam kết đã ký. Khâu rà soát trên thực tế không đơn giản. Bao nhiêu khúc mắc đều nằm ở các văn bản dưới luật. Trong khi đó, làm luật ở Việt Nam, thông thường cần hai năm để sửa một luật, chưa kể sau luật còn phải ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn…

Nhận xét về những thách thức hội nhập đối với các ngành kinh tế, không chỉ ngành chăn nuôi mà hầu hết các ngành kinh tế sẽ chịu những thách thức lớn. Thêm vào đó, hiện các sản phẩm dịch vụ chưa được coi trọng và vẫn còn một khoảng trống để ngành này phát triển.

Những yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ lâu, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm từng bước khắc phục và đưa nền kinh tế nước ta tăng trưởng vững chắc. Năm 2015, GDP đã đạt mức tăng trưởng 6,5%. Do vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng, Việt Nam sẽ hòa mình với dòng chảy hội nhập và sẵn sàng bước sang một giai đoạn phát triển mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rộng mở cánh cửa hội nhập: Tận dụng cơ hội để bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.