(HNM) - Những tờ lịch đầu tiên của năm mới Ất Mùi đã mở. Một mùa xuân mới đã về, trời đất giao hòa, lòng người náo nức trong khí xuân rộn rã.
Năm nay, không riêng gì người Hà Nội mà đối với mỗi người Việt Nam, Xuân Ất Mùi mang ý nghĩa đặc biệt: Mùa xuân thứ 85 của Đảng quang vinh; 70 năm thành lập nước; mừng 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; mùa xuân thứ 40 đất nước hoàn toàn thống nhất… Vậy nên, người Hà Nội đang có những ngày háo hức chào đón mùa xuân cùng biết bao niềm vui, niềm tin về một năm mới ngập tràn dự cảm tốt lành.
Lung linh đêm pháo hoa Hồ Gươm. Ảnh: Viết Thành |
1. Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi! Lời ca reo vui rộn rã! Nhịp sống hối hả với những vất vả, bộn bề lo toan của một năm cũ đã tạm lắng. Cán bộ, công chức, người lao động được nghỉ Tết sớm, đủ rộng dài để điềm tĩnh sắm Tết. Người Hà Nội đi chợ Tết không chỉ để mua, bán, mà còn tận hưởng bầu không khí mỗi năm chỉ có một lần. Dễ thấy nhất là cảnh đông vui tấp nập kẻ bán người mua tại các chợ hoa xuân. Chợ hoa Hàng Lược từ vài năm nay đã không còn là chợ hoa duy nhất họp từ ngày 20 tháng Chạp. Tưng bừng và họp sớm hơn cả có lẽ là đường hoa, cây cảnh Quảng Bá, Nghi Tàm, Âu Cơ... Ở đây, từ những ngày cuối năm cũ đã thấy cảnh người, xe đông như trẩy hội. Xe hoa, cây cảnh nối đuôi vào điểm tập kết tạo thành dòng chảy sôi động, đầy sắc màu.
Các tuyến phố chính của Hà Nội, đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa. Không như nhiều người đồn đoán hoa đào mất mùa vì thời tiết đỏng đảnh dịp cuối năm, đào Hà Nội năm nay có thể đủ cho người Thủ đô chơi đến Rằm tháng Giêng. Các chợ hoa ở Thanh Xuân, Hà Đông, Sơn Tây cho đến Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... tràn ngập đào, quất, lan. Những cúc, những hồng, ly từ Mê Linh chuyển về. Đào, quất từ dưới Thường Tín, Hưng Yên chuyển lên. Hoa lan, tulip từ Đà Lạt ra... Người Hà Nội kỹ tính cũng phải trầm trồ trước muôn hoa đua sắc trong các khu chợ xuân. Vào chợ, người mua người bán tha hồ "đối thoại", người mua trả giá, đi rồi quay lại như thể vừa để mua, vừa để ngắm, để yêu thương hơn những món quà thiên nhiên ban tặng. Điều đáng mừng là hơn 50 điểm chợ hoa xuân được thành phố quy hoạch từ những năm trước, nay đã đi vào nền nếp.
Năm nay đã không còn cảnh người Hà Nội ào ào mua thực phẩm tích lũy như trước. Cũng không còn cảnh họp chợ, hàng hóa tràn ra lòng đường như mọi năm. Chợ thực phẩm sáng Ba mươi đông, vui mà gọn gàng, không tăng giá. Các trung tâm thương mại, từ nội đô đến ngoại thành đâu đâu cũng ăm ắp hàng hóa. Năm nay, Sở Công thương đã thực sự trở thành cầu nối để các doanh nghiệp của thành phố tìm hiểu, giao thương với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khác, như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Lâm Đồng... ký kết hợp đồng khai thác nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội, bảo đảm nguồn cung dồi dào cho nhân dân thành phố. Cùng với đó là 3 chợ Tết được mở tại các huyện Ứng Hòa, Quốc Oai, Thường Tín và 150 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá, các nhóm hàng phục vụ Tết về khu vực nông thôn, chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn 18 quận, huyện, thị xã để người thu nhập thấp, thu nhập trung bình đều có thể tiếp cận với nguồn hàng bảo đảm chất lượng, xuất xứ rõ ràng, giá bán ổn định. Hàng Tết về nhiều, người đến chợ hoa, chợ thực phẩm, dù đã sang ngày cuối năm vẫn cẩn thận chọn lựa cho được những nhành hoa ưng ý về trưng trong nhà, những thức ngon để mâm cơm đoàn viên tất niên đậm hương vị truyền thống, chào đón niềm vui gia đình sum họp, hân hoan đón đợi thời khắc Giao thừa.
Thiếu nữ du xuân. Ảnh: Viết Thành |
2. Trước Tết ít ngày trời Hà Nội đổ mưa. Người Thủ đô lo ông Trời rắc mưa trong ba ngày Tết, bất tiện cho việc du xuân. Nhưng dường như đất trời thấu hiểu lòng người, Hà Nội vào Xuân Ất Mùi trong chút mưa bay, nắng nhẹ nhàng, lạnh vừa đủ. Từ trung tâm thành phố, quanh hồ Hoàn Kiếm, đường Đinh Tiên Hoàng, hồ Ngọc Khánh đến các xã vùng cao Ba Vì hay vùng xa Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh... đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Hơn 50 cụm pano, tranh cổ động cỡ lớn mừng Đảng, mừng Xuân tại các điểm ngã tư Láng Hạ - Thái Hà; Trần Nhân Tông - Thống Nhất; ngã tư Lê Duẩn - Đại Cồ Việt, Kim Mã - Liễu Giai, Ô Chợ Dừa... đã hoàn thành từ trước Tết, cho Hà Nội tấm áo mới đón xuân.
Thoáng tĩnh lặng trong chiều sâu thành phố, những hối hả, ồn ã tạm lùi xa. Ba ngày Tết, Hà Nội yên bình, phong quang, ấm áp. Hàng vạn người xúng xính dạo bước quanh hồ Gươm, thưởng thức các chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân, chờ đón màn pháo hoa mừng năm mới rực sáng trên bầu trời Thủ đô. Cùng chung thời khắc ấy, qua sự kết nối khéo léo của các phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, hình ảnh hàng vạn người con đất Việt tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài cùng hòa chung nhịp đập, hòa vào đất trời trong niềm vui, niềm hân hoan khó tả.
Năm nay, màn bắn pháo hoa nghệ thuật thử nghiệm tại bãi giữa sông Hồng đón hàng vạn người lên cây cầu mới Nhật Tân dự bữa tiệc ánh sáng và 30 điểm tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô diễn ra an toàn tuyệt đối. Đêm Giao thừa, tại các điểm bắn pháo hoa, trên các tuyến phố người dân Thủ đô dễ dàng chọn lựa những nhành lộc xuân bằng cách mở hàng lấy may cho các bạn trẻ. Các ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội: Quán Sứ, chùa Hà, Bà Đá... phủ Tây Hồ dường như cũng đông hơn mọi năm, tất cả diễn ra trong trật tự, bầu không khí thành kính, thiêng liêng.
3. Ngày Tết cùng vợ chồng người em họ mới trở về từ Cộng hòa Czech đi khắp Hà Nội, đường phố tĩnh lặng, thênh thang. Những cửa ô như rộng hơn. Một Hà Nội thẳm sâu, lắng đọng, ngân du một vẻ đẹp khác biệt, đằm mà sáng - điều mà không hẳn lúc nào ta cũng cảm nhận được. Không giống hầu hết người nước ngoài khác đến và cảm nhận về Hà Nội sôi động, náo nhiệt trong ngày thường, Pavla (chồng của em họ tôi) yêu Hà Nội theo cách rất riêng, tựa như những nhà nghiên cứu văn hóa. Pavla nói: Hà Nội là miền đất hội tụ và lan tỏa. Bởi vậy, thành phố Hòa bình này đang hướng tầm trở thành "Thủ đô văn hóa", để thế giới nhận ra Hà Nội - đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến...
Cũng như mọi năm, hội xuân Văn Miếu chật ních từ chiều mùng Một Tết. Các tích trò truyền thống của phường rối nước tại sân khấu di động trong khu vực Văn Miếu cuốn hút từ trẻ nhỏ tới người già. Hội chữ Xuân Ất Mùi trong Hồ Văn gọn gàng, văn minh, tấp nập người ra vào. Theo thông lệ, Bảo tàng Dân tộc học mở cửa từ hôm nay, mùng 4 tháng Giêng với nhiều trò vui dân gian theo chủ đề khám phá 12 con giáp. Tại đây, năm nay, trẻ em và du khách còn có dịp trải nghiệm nhiều trò chơi mới lạ của người Thổ, Si La, Sán Chay, Dao, Mông. Ngày mai, mùng 5, hội Gò Đống Đa sẽ mở đầu mùa lễ hội mới mang đậm sắc thái riêng của người Hà Nội.
Ra Giêng tháng rộng, ngày dài, nhưng con tàu mùa xuân của thành phố đã tăng tốc từ những ngày đầu năm dương lịch, với bao bộn bề công việc: Năm kết thúc kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố và là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố và Đại hội XII của Đảng... Cho dù sẽ còn những khó khăn, thách thức mà mỗi người Hà Nội cần phải nỗ lực để vượt qua, nhưng như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: "... Kết tinh những giá trị truyền thống toàn dân tộc, với truyền thống ngàn năm văn hiến, những người con của Thăng Long - Hà Nội kề vai sát cánh bên nhau, bằng tình cảm và trách nhiệm, tiếp tục đóng góp thiết thực cho Thủ đô, đất nước, để Hà Nội ngày càng phát triển, tô đẹp thêm cho truyền thống vẻ vang Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị". Động lực phấn đấu đó đang thôi thúc những sáng tạo mới để Hà Nội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ đặt ra trong năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.