(HNM) - Ngày 23-2, lễ hội cụm di tích lịch sử, văn hóa đền Thượng, đền Trung, đền Hạ tưởng nhớ công đức của Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) đã được khai hội...
Trong không khí linh thiêng, trang trọng, lễ hội đã tái hiện nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống, biểu tượng của ý chí kiên cường đấu tranh chinh phục thiên nhiên; chăm lo đời sống nhân dân; truyền dạy cho dân khai hoang trồng trọt; trị bệnh cứu người; sự hiếu thảo với cha mẹ, nhớ ơn tổ tiên; tính trung thực nhân văn và cao thượng trong đời sống xã hội dành cho lớp hậu duệ "con Lạc cháu Hồng". Ngoài phần lễ Thánh, lễ hội còn có màn biểu diễn cồng chiêng của các chàng trai, cô gái bản Mường; các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ, chọi gà, đẩy gậy và nhiều hoạt động thể thao diễn ra khá sôi nổi.
Lễ rước “ông lợn” độc đáo ở làng La Phù (Hà Nội). |
* Đêm 22, rạng sáng 23-2 (đêm 13, rạng sáng 14 tháng Giêng), lễ rước lợn đã diễn ra tưng bừng tại xã La Phù, Hoài Đức (Hà Nội). Theo tục lệ, lợn sau khi thịt xong được trang trí bằng những nhúm hoa, áo lưới bằng dát mỡ, rồi đặt lên kiệu cao khoảng 1,2m để rước. Lễ rước năm nay có 17 "ông lợn" của 15 xóm (những xóm lớn được rước hai “ông”) đi từ các xóm vào đình.
Tục rước lợn có nguồn gốc từ việc khao quân của Đức thánh Tam Lang Đại Vương - một lạc tướng thời Hùng Vương, có công đánh giặc Thục. Tương truyền, mỗi khi Đức Thánh tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Sau này, vị tướng đã "hóa" vào đêm 13, rạng sáng 14 tháng Giêng ở xã La Phù.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.