(HNMO)- Sau 6 ngày tưng bừng với 25 chương trình biểu diễn đến từ 13 quốc gia, Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ II tại Hà Nội đã khép lại vào tối 9/9 với kết quả thành công rực rỡ. Đoàn chủ nhà Việt Nam hân hoan trong niềm vui bội thu giải thưởng.
(HNMO)- Sau 6 ngày tưng bừng với 25 chương trình biểu diễn đến từ 13 quốc gia, Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ II tại Hà Nội đã khép lại vào tối 9/9 với kết quả thành công rực rỡ. Đoàn chủ nhà Việt Nam hân hoan trong niềm vui bội thu giải thưởng.
Đêm bế mạc với sự hiện diện của đông đủ các nghệ sĩ đến từ các đoàn tham gia biểu diễn cùng đông đảo những người yêu mến và ủng hộ loại hình nghệ thuật độc đáo này đã thực sự trở thành bữa tiệc chiến thắng cho tất cả mọi người.
Ông Ngô Quỳnh Giao, chủ tịch hội đồng giám khảo phát biểu: “Hạnh phúc thực sự của người nghệ sĩ là được biểu diễn hết mình, được phục vụ, cống hiến cho khán giả. Đó mới là những người yêu nghệ thuật đích thực. Dù đoạt giải hay không thì 25 chương trình vẫn là 25 bông hoa đầy hương sắc trong một lẵng hoa dâng lên chúc mừng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội của chúng tôi”.
25 tiết mục là 25 bức tranh sinh động thể hiện rõ nét truyền thống bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia, vùng miền. Đồng thời qua đó, khán giả được dịp chiêm ngưỡng, thưởng thức nghệ thuật tạo hình âm nhạc, ca hát, hiểu thêm về con người, khát vọng cuộc sống của từng dân tộc.
Đậm đà bản sắc
Nếu như các nghệ sĩ Trung Quốc đã mang đến liên hoan một hương sắc đậm đà chất Trung Quốc. Từ phục trang, vũ đạo, âm nhạc cho đến sự tinh tế khéo léo trong từng tiết mục. Đoàn Chiang Mai (Thái Lan) lại gây ấn tượng cho người xem với phong thái thư thả, nhẹ nhàng, thấm đượm tinh thần xứ sở Phật giáo thông qua cách bài trì độc đáo, sân khấu như một bàn thờ. Nghệ sĩ độc diễn Indonesia lại thể hiện một xu hướng tìm tòi, phát triển của của múa rối Indonesia khi ngồi diễn với hàng chục con rối Java…
Đặc biệt hơn cả, nước chủ nhà Việt Nam đã tạo được dấu ấn đậm nét trong liên hoan, khẳng định vị thế của múa rối Việt Nam với bạn bè quốc tế mà theo nhận định của ông Chua Soo Pong “là một bước tiến dài trong sự phát triển nghệ thuật múa rối ở Việt Nam”.
Sáng tạo mới mẻ trong “Hồn khí Thăng Long”, lãng mạn ngây thơ trong “Trăng trẻ em”, ngộ nghĩnh đáng yêu với “Vịt con xấu xí”…đặc sắc nhất vẫn phải kể đến nghệ thuật độc đáo truyền thống rối nước Việt Nam: “Ngàn năm văn vật”, “Truyện cổ Andersen” của nhà hát Thăng Long và nhà hát múa rối Việt Nam đã phát huy được toàn bộ sức mạnh và vẻ đẹp của rối nước…
2 giải vàng, 4 giải bạc dành cho các tiết mục của Nhà hát Múa rối Việt Nam và nhà hát Múa rối Thăng Long là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu, sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ.
Có thể nói, liên hoan múa rối quốc tế lần thứ II đã thành công tốt đẹp, thật sự trở thành một sân chơi hấp dẫn, bổ ích, ngập tràn sắc màu quốc tế với sự góp mặt của các loại hình rối độc đáo mang đậm tính truyền thống dân tộc như: Rối nước Việt Nam, Rối JaVa (Indonesia), Rối que (Trung Quốc), Rối dây (Myanma), Rối kết hợp (Isarel)…
Một số giải thưởng quan trọng của liên hoan: • Giải Vàng (chương trình): Truyện cổ Andersen – Nhà hát múa rối Việt Nam; Đường phố ở Singapore – đoàn múa rối Mascots and Puppets (Singapore); Câu chuyện của Bhishma- đoàn Behind the Actors (Indonesia); Chương trình múa rối nước – nhà hát Múa rối Thăng Long. • Giải Bạc (chương trình): Vịt con xấu xí – nhá hát Múa rối Việt Nam; Trăng trẻ thơ- nhà hát Múa rối Việt Nam; Ngày hội buôn làng- đoàn nghệ thuật múa rối TTVHTT Đăk Lăk; Hồn khí Thăng Long- nhà hát Múa rối Việt Nam; Câu chuyện của Limthong- đoàn Bộ văn hóa&nghệ thuật Campuchia; Suwanna Hoi Sang- đoàn Hobby Hut Chiang Mai (Thái Lan). • Giải Vàng (cá nhân) : 11 nghệ sĩ thuộc các đoàn Indonesia, Myanma, Isarel, Campuchia, Singapore, Trung Quốc. Trong đó có 2 nghệ sĩ thuộc nhà hát Múa rối Thăng Long và 2 thuộc nhà hát múa rối Việt Nam. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.