Thế giới

Romania và Bulgaria: Rộng mở đường vào Schengen

Quỳnh Dương 30/12/2023 - 07:30

Sau 13 năm kiên trì theo đuổi, lộ trình gia nhập khu vực miễn thị thực châu Âu (Schengen) của Romania và Bulgaria đã tiến thêm một bước dài khi đạt được thỏa thuận chính trị với Áo liên quan tới quyền tự do đi lại bằng đường biển và đường không từ tháng 3-2024.

Việc đặt chân vào Schengen sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Romania và Bulgaria khi các công dân và doanh nghiệp có thể tự do đi lại, mở rộng thị trường tại 29 quốc gia Cựu lục địa.

Gia nhập Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007, song con đường vào Schengen của Romania và Bulgaria khá gian nan. Cả hai nước đã chờ đợi gia nhập khu vực này kể từ năm 2011 khi Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên "bật đèn xanh" để họ trở thành thành viên. Tuy nhiên, để được tham gia khu vực này, các quốc gia phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn được quy định trong hiệp ước chung như quản lý chặt chẽ các biên giới bên ngoài, ưu tiên chống tội phạm xuyên biên giới, chia sẻ thông tin an ninh và hợp tác hiệu quả của lực lượng cảnh sát, biên phòng…

Vào năm 2011, đơn gia nhập của Bulgaria và Romania đã bị Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan và Bỉ phản đối vì những lo ngại liên quan đến tham nhũng, tội phạm có tổ chức và cải cách tư pháp. Trong những năm tiếp theo, các lo ngại trên vẫn tồn tại. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016 càng kéo dài con đường vào Schengen của hai nước.

Cuối năm 2022, hy vọng của Bucharest và Sofia một lần nữa bị dập tắt bởi “cái lắc đầu” của Áo. Vienna cho rằng, nước này phải tiếp nhận số lượng người nhập cư bất hợp pháp quá lớn do biên giới bên ngoài Schengen được bảo vệ kém. Chỉ trong năm 2022, Áo đã phải tiếp nhận hơn 95.000 đơn xin tị nạn dù không phải là quốc gia giáp biển và cũng không nằm ở đường biên giới của Schengen. Theo thống kê, có tới khoảng 40% người di cư đến Áo sau khi vượt qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria và Romania tiếp đó đi qua Hungary. Vienna đặt câu hỏi về khả năng của Bulgaria trong việc kiểm soát biên giới và bày tỏ lo ngại với những nguy cơ khi quốc gia nghèo nhất EU gia nhập Schengen.

Sự cứng rắn của Áo đã khiến mối quan hệ với Romania và Bulgaria trở nên căng thẳng. Romania thậm chí đã triệu hồi Đại sứ tại Áo về nước để tham vấn. Trước đó, Bộ Ngoại giao Romania cũng đã triệu tập Đại sứ Áo tại Romania tới trụ sở để chuyển lời phản đối về quyết định không thân thiện của Áo. Trong khi đó, Bulgaria cảnh báo đáp trả khi Áo phủ quyết đơn xin gia nhập Schengen của nước này. Do vậy, dù Romania và Bulgaria vẫn phải tiếp tục đàm phán với Áo về thỏa thuận gia nhập Schengen bằng đường bộ, song việc Vienna thông qua quyết định cho phép hai quốc gia hưởng cơ chế đi lại tự do bằng đường biển và đường không được đánh giá là một bước đột phá.

Theo đánh giá của các quan chức EU, để vào được Schengen, Romania và Bulgaria đã phải thực hiện một cuộc cải cách dài hạn để hoàn thành các cam kết đối với nhiều tiêu chí khắt khe. Ủy viên Nội vụ EC Ylva Johansson cho rằng, Romania và Bulgaria tiếp tục đứng ngoài Schengen sẽ khiến việc đi lại và giao thương bị cản trở bởi sự chậm trễ có thể kéo dài từ hàng giờ đến hàng ngày so với thời gian chờ đợi trung bình là 10 phút trong khu vực này. Tình trạng như vậy đặc biệt bất lợi đối với các tài xế xe tải, không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế mà còn làm tăng lượng khí thải CO2 lên tới 46.000 tấn mỗi năm - một hậu quả môi trường đi ngược lại các mục tiêu chung về khí hậu của EU.

Được thiết lập năm 1985, Schengen là khu vực tự do đi lại lớn nhất thế giới và có 27 quốc gia thành viên, trong đó có 23 nước thành viên EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Khoảng 1,7 triệu người đang sống ở một quốc gia Schengen, trong khi làm việc tại một quốc gia khác trong khu vực này. Mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu người qua lại trong khu vực với dân số khoảng 400 triệu người. Với sự gia nhập của Romania và Bulgaria, Schengen sẽ bao trùm 29 quốc gia, củng cố thêm một trong những thành tựu mà EU tự hào nhất trong nhiều thập kỷ qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Romania và Bulgaria: Rộng mở đường vào Schengen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.