Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rối ren vì nợ

Quỳnh Chi| 09/11/2011 06:37

(HNM) - Sau một ngày thương lượng căng thẳng, hai chính đảng lớn của Hy Lạp là đảng Xã hội (PASOK) cầm quyền và đảng Dân chủ mới (ND) đối lập đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ lâm thời nhằm đưa chính trường nước này thoát khỏi tình trạng bế tắc và tránh nguy cơ vỡ nợ.

Ông L.Papademos (phải) sẽ đứng đầu chính phủ lâm thời thay Thủ tướng G.Papandreou.

Đúng như dự đoán của giới phân tích, dù Thủ tướng George Papandreou đã phải chấp nhận từ chức do sức ép của dư luận. Tuy nhiên, trong Quốc hội 300 thành viên của Hy Lạp, đảng PASOK của Thủ tướng Papandreou chiếm tới 160 ghế, trong khi đảng Dân chủ mới có 91 ghế. Vì thế, PASOK vẫn tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước cho tới cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra ngày 19-2-2012. Trợ thủ đắc lực của ông G.Papandreou là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Lucas Papademos sẽ trở thành Thủ tướng lâm thời của Hy Lạp. Nhà lãnh đạo 64 tuổi này từng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp giai đoạn 1994-2002, đồng thời là người giám sát các nỗ lực của Athens trong quá trình chuẩn bị gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp vẫn rối như tơ vò thì việc một chính trị gia từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính như ông L.Papademos đảm nhiệm vị trí đứng đầu chính phủ có thể sẽ tạm làm yên lòng giới đầu tư. Nhiệm vụ đầu tiên của ông L.Papademos trong 100 ngày cầm quyền trước mắt là phải tìm mọi cách để bảo đảm kế hoạch cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) dành cho nước này được nhanh chóng thông qua tại Quốc hội. Bằng không, khoản giải ngân 8 tỷ euro trong gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro sẽ bị ách lại, đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ cạn kiệt vào giữa tháng 12 tới.

Đã gần một năm kể từ ngày được EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) triển khai gói cứu trợ đầu tiên, nhưng nền kinh tế Hy Lạp không đạt được nhiều mục tiêu đề ra mà còn ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Đánh giá của IMF, EU và ECB về kết quả những chính sách cắt giảm chi tiêu mà chính quyền nước này cam kết thực hiện để đổi lấy tiền tài trợ cho thấy, thâm hụt ngân sách của Athens chỉ giảm được từ mức 10,5% của năm 2010 xuống còn 8,5% trong năm nay. Trong khi đó, con số cam kết ban đầu là 7,6%. Hiện tại, tổng số nợ của xứ sở Thần thoại đã lên tới 360 tỷ euro. Tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 115% lên hơn 166%.

Vì thế, thỏa thuận giữa hai phe tả - hữu về một chính phủ liên minh lâm thời chỉ giúp Hy Lạp tạm tránh khỏi nguy cơ phá sản, chứ chưa giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề. Để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công, xứ sở của những câu chuyện thần thoại buộc phải triển khai thêm nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ mới gồm khoản vay 130 tỷ euro và giảm 50% số nợ. Trong khi đó, những chính sách cắt giảm ngân sách cũ vẫn đang tạo nhiều áp lực lên mọi tầng lớp xã hội. Nhiều cuộc biểu tình, đình công phản đối các kế hoạch khắc khổ diễn ra triền miên đã gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế vốn đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Điều này khiến giới chuyên gia kinh tế không khỏi nghi ngờ về khả năng trong những ngày tới, bộ máy lãnh đạo Hy Lạp có thể thực hiện được những cải tổ kinh tế theo yêu cầu của EU và IMF. Đó là chưa kể đến việc, theo các cuộc thăm dò dư luận, sẽ không có đảng nào giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Những cuộc mặc cả dằng dai giữa các chính đảng sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực nguy hiểm, gây cản trở cho tiến trình triển khai các quyết sách cần thiết nhằm cứu Hy Lạp khỏi miệng vực vỡ nợ đang cận kề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rối ren vì nợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.