Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rối như tơ vò

Đình Hiệp| 18/04/2010 07:30

(HNM) - Sự tồn tại của căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa (Nhật Bản) một lần nữa lại phủ bóng lên mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ khi tuần qua (ngày 15-4), Thủ tướng Yukio Hatoyama tái khẳng định sẽ kết thúc vấn đề này vào cuối tháng 5 tới. Với tuyên bố trên, người đứng đầu nội các Nhật Bản tỏ ra muốn kết thúc

Căn cứ không quân Futenma nằm lọt giữa một khu vực dân cư đông đúc.


Hơn nửa thế kỷ qua, Okinawa là nơi đồn trú phần lớn quân đội Mỹ trên xứ Phù Tang, biến nơi đây thành cứ điểm quân sự mạnh nhất của xứ Cờ hoa trên vòng cung Thái Bình Dương, ngoài Mỹ. Hiện có khoảng 47.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản, trong đó hơn một nửa đóng tại đảo Okinawa. Từ đây, quân đội Mỹ có thể nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu trong khu vực chỉ trong vài giờ. Như vậy, những điểm "nóng bỏng" nhất ở Đông Á đều nằm trong "tầm phủ sóng" của Washington. Futenma được ví như "hàng không mẫu hạm không thể chìm" của Mỹ trên Thái Bình Dương. Cho dù kinh tế của Okinawa phụ thuộc vào căn cứ này, song sự tồn tại của nó ngày càng vấp phải sự phản đối gay gắt của cư dân địa phương.

Năm 2006, Washington và Tokyo bắt đầu tìm kiếm một thỏa thuận và Chính phủ Nhật Bản khi đó còn trong tay đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã đi đến một thỏa ước với Mỹ mà cả hai bên đều xem là "vẹn cả đôi đường". Theo đó, Futenma sẽ chuyển từ thành phố Ginowan đến thành phố Nago, nằm sát biển của Okinawa và chuyển 8.000 lính thủy quân lục chiến đồn trú tại Okinawa tới đảo Guam (Thái Bình Dương). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ giảm bớt số binh sĩ trên đất Nhật Bản và Futenma cũng rời khỏi khu vực Ginowan để về Nago, nơi còn thưa thớt dân cư.

Tuy nhiên, đó là thỏa thuận với Chính phủ của đảng LDP. Với Chính phủ mới của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) do ông Hatoyama đứng đầu mọi việc đã đổi thay. Ngay trong cuộc tranh cử Hạ viện Nhật Bản tháng 8-2009, ông Yukio Hatoyama từng cam kết sẽ dời căn cứ không quân Futenma ra khỏi Okinawa hoặc thậm chí ra khỏi Nhật Bản nếu đắc cử. Vì thế, sau khi đắc cử và trở thành người đứng đầu nội các Nhật Bản, Thủ tướng Hatoyama luôn chịu sức ép của cử tri Nhật Bản về lời hứa này.

Tuyên bố của Thủ tướng Hatoyama về di dời Futenma được đưa ra trong bối cảnh ông đang chịu sức ép ngay trong liên minh cầm quyền. Tổng Thư ký đảng Liên minh cầm quyền Dân chủ Xã hội Nhật Bản Yassumasa Shigeno cho biết, hạn chót về di dời Futenma vào tháng 5 vẫn chưa được 3 đảng liên minh cầm quyền nhất trí và nó chỉ do Chính phủ của Thủ tướng Hatoyama đưa ra mà thôi. Ông Shigeno còn bày tỏ lo ngại trên cả hai bình diện từ lời hứa với cử tri đến sự nhìn nhận về căn cứ này trong giới lãnh đạo Nhật Bản. Trong một động thái mới nhất (ngày 16-4), Washington đã đưa ra một thăm dò với Nhật Bản về Futenma. Đó là một phương án điều chỉnh do Mỹ đưa ra khi di chuyển căn cứ này.

Cuộc chuyển dịch căn cứ Futenma trở nên nan giải, thậm chí khiến quan hệ Nhật - Mỹ lâm vào thế khó như hiện nay đủ nói lên tầm quan trọng của cơ sở "tiền phương" này. Nó không chỉ liên quan tới kế hoạch bố trí lực lượng của quân đội Mỹ ở Nhật Bản mà còn với toàn bộ thế trận trên Thái Bình Dương của Mỹ.

Thời hạn chót về "bãi đáp mới" của căn cứ này được cho là gây khó cho cuộc hành quân đã được dự kiến của 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa tới đảo Guam (Mỹ) vào năm 2014. Đây quả là bài toán hóc búa với Thủ tướng Hatoyama bởi Futenma không chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới quan hệ Nhật - Mỹ ở tầm chiến lược, mà đang trở thành nguyên nhân gây rạn nứt trong liên minh cầm quyền hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rối như tơ vò

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.