(HNM) - Rối loạn mỡ máu (RLMM) là bệnh không lây qua đường truyền nhiễm nhưng lại lan nhanh trong cộng đồng do thói quen, lối sống hiện đại. Với tốc độ phát triển chóng mặt cả về số người mắc bệnh lẫn phạm vi địa lý, RLMM hiện được báo động là một
"Giật mình" với kết quả xét nghiệm
Cầm kết quả xét nghiệm máu của Khoa Khám sức khỏe theo yêu cầu BV Chợ Rẫy trên tay, anh Trần Hùng, 39 tuổi (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) giật mình khi nồng độ cholesterol toàn phần lên tới 7,5mmol/l (trị số bình thường từ 3,9-5,2 mmol/l). Không chỉ riêng anh Hùng, rất nhiều anh chị em khác trong cơ quan cũng nhận kết quả bị RLMM trong đợt khám sức khỏe định kỳ vào đầu tháng 10 năm 2014. Anh Hùng cho biết, anh hút thuốc và hay nhậu nhẹt nhưng không nghĩ rằng "mới 39 tuổi lại có thể bị RLMM"!? Anh Hùng "phân trần" rằng vẫn thường xuyên chơi thể thao thì làm sao có mỡ dư để rối loạn được!
Mỡ máu cao là căn bệnh khiến gia tăng các ca đột quỵ |
Tâm trạng lo lắng hơn, chị Hồng Loan (45 tuổi), Trưởng phòng Tổ chức của công ty anh Hùng đang làm việc, được bác sĩ yêu cầu phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập vì kết quả xét nghiệm máu có chỉ số cholesterol cao và thỉnh thoảng xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, mệt, đau tức vùng ngực. Hiện chị đang được tiếp tục theo dõi nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các bác sĩ cho biết, nếu như trước đây, người ta chỉ hay gặp và đề cập đến RLMM ở tuổi từ 60 trở lên thì hiện nay, ngay từ tuổi trên 20 đã nhiều người mắc bệnh. Cholesterol là thành phần quan trọng nhất của mỡ máu, tham gia vào các hoạt động sinh tồn của cơ thể. Tuy nhiên, chế độ ăn uống không phù hợp và khả năng hấp thu, chuyển hóa mỡ của các cơ quan bắt đầu kém dần, tạo điều kiện cho cholesterol tăng cao.
Theo các chuyên gia y tế Viện Dinh dưỡng quốc gia, RLMM gây ra nhiều bệnh nguy hiểm nhưng ít có triệu chứng rõ ràng. Nghiên cứu mới đây từ viện này cũng cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam có lượng cholesterol cao là 29,1%, tỷ lệ này ở thành thị là gần 45%; lứa tuổi trung niên là 42% và người cao tuổi tới 63%. Khoảng 26% người trong độ tuổi 25 - 74 bị RLMM, tức mỡ trong máu cao. Ở Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ này lên đến 44%. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Khoa Xét nghiệm, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, khoảng 10 năm trước, người ta ít quan tâm đến mỡ máu thì gần đây, những vấn đề về rối loạn chuyển hóa mỡ máu được quan tâm hơn, nhất là khi bệnh này gia tăng nhanh và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bệnh lý về bệnh tim mạch...
Như một… "đại dịch"
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các cơ sở y tế lớn như BV Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Nhân Dân Gia Định, Thống Nhất..., số bệnh nhân khám và nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, tai biến, cao huyết áp... ngày càng tăng nhanh theo các năm.
Tại BV Chợ Rẫy, riêng năm 2013, đã có trên 5.500 ca xuất huyết não và nhồi máu não (xuất huyết não: 3.007 ca, nhồi máu não: 2.592 ca); trên 660 lượt bệnh nhân tai biến mạch máu não, tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim. Đáng chú ý, số bệnh nhân khám và điều trị bệnh cao huyết áp lên tới 34.255 lượt. Khoa Nội tiết của BV cũng đã khám và điều trị cho gần 47.000 lượt bệnh nhân bệnh tiểu đường, bao gồm cả bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa, tiền đái tháo đường và tiểu đường.
Tại Việt Nam, số liệu mới nhất công bố tại ngày hội "Phòng chống bệnh đái tháo đường" do Bộ Y tế tổ chức cho thấy, có tới 5 triệu người bị tiểu đường. Theo PGS.TS Nguyễn Thi Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, bệnh tiểu đường ở nước ta hiện đã cao hơn dự đoán rất nhiều. TP Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ gia tăng nhanh, trên 300% trong khoảng 10 năm nay, còn cả nước thì tăng 211%, trong khi đó, tỷ lệ gan nhiễm mỡ cũng ngày càng tăng với ước tính 10% - 24% dân số. Đáng báo động, số ca tai biến - đột quỵ hàng năm tại nước ta lên tới 200.000 người mắc mới, khoảng 11.000 người tử vong và ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ.
Riêng về béo phì, kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia và TTDD TP Hồ Chí Minh tại ba thành phố là Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ người thừa cân béo phì ở người trên 20 tuổi trở lên là 27,9%. Trong khi đó, một nghiên cứu khác tại Hà Nội về RLMM ở trẻ em lứa tuổi 4-9 cũng cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì có tăng cholesterol là 15,3%, tăng Triglyceride là 30,7%; tăng LDL - cholesterol là 12,6% và giảm HDL - cholesterol là 5,3%... Các nghiên cứu cho thấy, có mối liên quan trực tiếp của RLMM đến các bệnh lý nguy hiểm, gây tử vong cao khi có đến 90% trường hợp nhồi máu cơ tim là do biến chứng của mảng xơ vữa và khoảng 93% bệnh nhân đột quỵ não có RLMM.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, khuyến cáo, việc phát hiện bệnh sớm rất khó khăn vì ở giai đoạn đầu người bệnh thường ít có triệu chứng. Các triệu chứng bên ngoài của RLMM rất mờ nhạt và dễ nhầm lẫn với bệnh khác khiến nhiều người bị RLMM không hề hay biết. Để phòng ngừa, theo bác sĩ Nam, khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ là phương pháp tầm soát bệnh rất hiệu quả, nhất là đối với những người trên 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ cao như ít vận động, căng thẳng thần kinh, hút thuốc lá, tiểu đường, cao huyết áp. Ngoài ra, những nghiên cứu mới đây về GDL-5 được tinh chiết từ phấn mía Nam Mỹ có tác dụng rõ rệt và được chứng minh lâm sàng giúp điều hòa cholesterol, kiểm soát mỡ máu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.