(HNMO) – Chiến thắng hồi đầu năm nay của Đảng Bảo thủ Anh đã “kích hoạt” một lời cam kết về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tư cách thành viên của nước Anh tại Liên minh Châu Âu trước năm 2017. Và lời cam kết này đang dần trở thành hiện thực khi Thủ tướng Anh David Cameron đã ấn định ngày bỏ phiếu là ngày 23/6.
Cuộc trưng cầu dân ý được lên kế hoạch trong bối cảnh Thủ tướng Anh đang chịu nhiều sức ép ngay từ trong Đảng của mình với hàng loạt những lời kêu gọi nước Anh hãy rời EU.
Trước khi tiến hành trưng cầu dân ý, ông Cameroon đã tiến hành đàm phán lại về mối quan hệ giữa nước Anh với EU, một cuộc đàm phán mà ông tuyên bố là mang tất cả “trái tim và tâm hồn” để giữ nước Anh ở lại một “châu Âu cải cách”. Thế nhưng, ngay cả lựa chọn này cũng vẫn vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên khác trong Đảng.
Câu hỏi được đặt ra là, nếu rời Liên minh Châu Âu – điều mà chưa một quốc gia nào từng làm trước đó, nước Anh sẽ được và mất gì? Liệu xứ sở sương mù có thịnh vượng hơn khi tách mình khỏi EU?
Về thương mại
Một trong những lợi ích lớn nhất khi là thành viên của EU đó là thương mại tự do giữa các quốc gia trong khối. Mậu dịch tự do sẽ giúp các công ty Anh xuất khẩu hàng hóa dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn tới các nước khác ở châu Âu. Theo nhiều lãnh đạo trong giới doanh nghiệp, lợi ích này có thể đã mang lại hàng tỷ bảng cho các công ty xuất khẩu.
Nếu rời EU, nước Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi một liên minh thương mại vững mạnh. Nhưng bù lại, Anh sẽ tự do hơn trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước ngoài EU.
Một số ý kiến cho rằng, nước Anh có thể đi theo con đường của Na Uy, đó là vẫn tiếp cận thị trường chung trong khối, nhưng không bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định của EU trong các lĩnh vực như nông nghiệp, tư pháp hay nội vụ.
Nước Anh có thịnh vượng hơn khi tách mình khỏi Liên minh Châu Âu? |
Tuy nhiên, không dễ thực hiện “một cuộc ly hôn” trong êm đẹp như vậy. The Economist cho rằng, nếu rời đi, nước Anh vẫn sẽ chịu tác động của hàng loạt các vấn đề chính trị và kinh tế châu Âu, nhưng sẽ không còn giữ được vị thế của mình trên bàn đàm phán để quyết định những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức Open Europe chỉ ra rằng, trong kịch bản tệ nhất, Brexit (thuật ngữ chỉ việc Anh rời EU) sẽ khiến nền kinh tế Anh mất khoảng 2,2% tổng GDP trước năm 2030. Tuy nhiên, nếu Anh có thể đàm phán một hiệp định thương mại tự do với châu Âu, GDP có thể sẽ tăng 1,6%.
Về đầu tư
Phần lớn quan điểm cho rằng, đầu tư có thể sẽ chậm lại từ nay cho tới khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra do các nhà đầu tư không chắc chắn về kết quả bỏ phiếu và hệ quả của nó. Về dài hạn, một số người lo ngại rằng, vị thế của nước Anh trong vai trò là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới sẽ bị đe dọa khi Anh không còn là cửa ngỏ để các ngân hàng lớn, các công ty tài chính danh tiếng tăng cường hoạt động tại châu Âu.
London hiện là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. |
Tuy nhiên, ngân hàng Barclays lại có quan điểm trái chiều. Theo Barclays, việc rời EU sẽ có tác động tích cực tới nước Anh. Khi đó, Anh sẽ được xem là một nơi trú ẩn an toàn để tránh xa những rủi ro về tài chính tại châu Âu, sẽ là nơi thu hút giới đầu tư và đẩy giá trị đồng bảng Anh tăng mạnh.
Về việc làm
Việc tự do đi lại trên toàn EU đã mở ra hàng loạt những cơ hội việc làm cho người lao động Anh và khiến các công ty Anh dễ dàng tuyển dụng lao động từ các nước EU khác. Rời EU đồng nghĩa với việc nước Anh phải tự xoay xở trong biên giới của chính mình.
Theo giáo sư Adrian Favell, chuyên ngành xã hội học tại Trung tâm nghiên cứu châu Âu, kịch bản Brexit sẽ hạn chế cơ hội những cá nhân tốt nhất ở châu Âu tới Anh làm việc.
Bên cạnh đó, có ý kiến cảnh báo rằng, hàng triệu việc làm tại nước Anh sẽ mất đi nếu nước Anh không còn là điểm đến của các nhà sản xuất quốc tế. Những công ty đa quốc gia sẽ chuyển tới các thị trường khác ở EU, với chi phí sản xuất và lao động rẻ hơn.
Về tầm ảnh hưởng
Tầm ảnh hưởng về quân sự của nước Anh có thể sẽ bị tổn hại. Mỹ sẽ không còn coi Anh là một đồng minh quan trọng như hiện nay nếu Anh tách khỏi châu Âu.
Nhưng Anh cũng sẽ được hưởng lợi. Theo The Economist, nước Anh có thể tái khẳng định chủ quyền vùng biển của mình, tự đề ra giới hạn số giờ làm việc trong tuần, không cần tham gia vào các chương trình năng lượng của EU và tự tạo ra một thị trường tự do hơn. Khi đó, London sẽ trở thành một trung tâm hấp dẫn đối với nền tài chính của hàng loạt các thị trường mới nổi.
Ở một kịch bản tệ hơn, xứ sở sương mù có thể sẽ tự cô lập mình, trở thành một “kẻ ngoại đạo” ở châu Âu, tham gia hạn chế vào thị trường chung, gần như không có tầm ảnh hưởng và có rất ít đồng minh.
Dù đi hay ở, thì đây vẫn là một lựa chọn mà người dân Anh phải cân nhắc cực kỳ thận trọng. Bởi một khi đã quyết, nước Anh chắc chắn sẽ không còn cơ hội thay đổi quyết định của mình thêm một lần nào nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.