(HNM) - Trong bản Di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...".
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần đề cập tới bốn chữ "cần, kiệm, liêm, chính" - những phẩm chất đạo đức cơ bản, cần thiết để làm nên "cái gốc" của con người cách mạng Việt Nam...
“Tứ đức” của người cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cách mạng chỉ có giác ngộ chính trị thôi chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, đạo đức dân tộc: “Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Người đã dành rất nhiều tâm huyết để giáo dục mọi người về đạo đức cách mạng.
Nếu như tư tưởng Hồ Chí Minh xem “trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất quan trọng nhất và chi phối các phẩm chất đạo đức khác của con người cách mạng, thì “cần, kiệm, liêm, chính” là những phẩm chất đạo đức cơ bản làm nên cái gốc của con người cách mạng, bởi nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ, trong công tác và trong sinh hoạt. Đây cũng là những khái niệm đạo đức truyền thống phương Đông được Hồ Chí Minh tiếp thu, chọn lọc, đưa vào những yêu cầu, nội dung mới. Ngay từ năm 1927, trong bài giảng đầu tiên về “Tư cách một người kách mệnh”, Người đã đề cập tới cần, kiệm. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết tháng 6-1949, Người viết: “…Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Người giải nghĩa cụ thể: Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao... Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình. Tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức…”. Cần, kiệm là phẩm chất của người lao động trong đời sống, trong công tác. Liêm là trong sạch, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”; “không tham địa vị, không tham tiền tài…, không tham tâng bốc mình…”. Chính là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư; “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Liêm chính là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành nhiệm vụ...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên vô cùng cần thiết, bởi: “Cán bộ các cơ quan, đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”, “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Không chỉ giới hạn ở việc xem cần, kiệm, liêm, chính là “tứ đức” của người cán bộ cách mạng, Người còn mong muốn cần, kiệm, liêm, chính trở thành phẩm chất của con người Việt Nam mới. Một ngày sau khi nước nhà giành được độc lập (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng đời sống mới nội dung giáo dục quân dân thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Người cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là thước đo văn minh của một dân tộc: “Một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói luôn đi đôi với làm. Cuộc đời hoạt động của Người là tấm gương sáng ngời về cần, kiệm, liêm, chính cho các thế hệ sau noi theo. Có lẽ sẽ chẳng có dẫn chứng nào bằng những vần thơ viết về sự giản dị, gần gũi của một con người vĩ đại: “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Bác ơi - Tố Hữu). Hình ảnh đôi dép cao su của Bác Hồ cũng đã đi vào thi ca, để tấm gương thanh cao, đức độ của Người tỏa sáng mãi cùng non sông, đất nước, để mãi mãi “Dấu dép Cha già dẫn lối con đi” (Đôi dép Bác Hồ - thơ Tạ Hữu Yên, nhạc sĩ Văn An phổ nhạc)...
Bài học quý hôm nay
Những lời dạy của Bác về cần, kiệm, liêm, chính cho đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Trong sự nghiệp kháng chiến và công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước sau này, đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua lao động, chiến đấu và học tập. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị (khóa X) có Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 7-11-2006 về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp đó ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 03-CT/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình, góp phần xây dựng đạo đức trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua người tốt việc tốt, lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm, tạo động lực đưa sự nghiệp đổi mới vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục giành được những thành tựu mới... Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường trên nhiều lĩnh vực. Việc cắt giảm thủ tục hành chính không chỉ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mà còn tiết kiệm cả thời gian, công sức của nhân dân. Phong trào tiết kiệm điện ở các tỉnh, thành phố mỗi năm cũng đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng... Đáng chú ý, trong 3 năm thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015” của Thành ủy, Hà Nội đã tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách được hơn 3 nghìn tỷ đồng. Phong trào vận động toàn dân thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm cũng có nhiều chuyển biến tích cực...
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bên cạnh những thành tựu vẫn còn nhiều mặt yếu kém, tồn tại chưa được khắc phục triệt để. Trong nhận thức, hành động của không ít cán bộ, đảng viên và một bộ phận người dân. Một bộ phận cán bộ công chức còn có những biểu hiện suy thoái, tha hóa biến chất về đạo đức, lối sống; quan liêu, sách nhiễu nhân dân. Tình trạng lãng phí, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, có nhiều quyết tâm song số người, số vụ việc, số tài sản vi phạm bị phát hiện, xử lý vẫn chưa thực sự thuyết phục, chưa tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân vào công cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi “quốc nạn” tham nhũng.
Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng về việc phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với việc kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác và những biểu hiện thoái hóa, biến chất; việc xây dựng các phong trào thi đua rèn luyện đạo đức - nhất là các đức tính cần, kiệm, liêm, chính - nhằm khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức hiện nay, sẽ đồng thời là một quá trình tiến tới xây dựng các chuẩn giá trị đạo đức của con người Việt Nam mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay và đáp ứng mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.