(HNM) - Trong khi bóc xóa quảng cáo rao vặt (QCRV) trái phép ở nội thành Hà Nội đang là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng thì ở thị xã Sơn Tây, việc này được thực hiện khá tốt. Bài học rút ra từ thực tiễn ở đây cho thấy, chỉ cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền thì việc khó mấy cũng sẽ làm được.
Một góc thị xã Sơn Tây. Ảnh: Phương Dung |
Thay đổi bộ mặt đô thị
Là đô thị sầm uất phía tây Thủ đô, thị xã Sơn Tây tập trung đông dân cư, hàng chục trường ĐH, CĐ, TCCN nên nhu cầu thông tin, QCRV của người dân không kém các quận nội đô. Ai từng đến Sơn Tây trước khi thực hiện Kế hoạch 167 của UBND TP Hà Nội hẳn còn nhớ QCRV bừa bãi khắp nơi, ít nhiều làm mất mỹ quan đô thị. Còn hôm nay, đường phố Sơn Tây đỡ lem nhem hơn bởi thông tin QCRV được dán đúng nơi quy định. Điển hình như khu vực cổng trường CĐ Việt - Hung (phường Xuân Khanh) trước đây chằng chịt QC chiêu sinh, tìm việc, gia sư… thì nay, loại thông tin này được dán ngay ngắn trong bảng QCRV miễn phí. Các phố Hậu An (phường Lê Lợi), phố Hoàng Diệu (phường Quang Trung), phố Trung Hậu (phường Trung Sơn Trầm) cũng thoát khỏi sự "tấn công" của QCRV trái phép nhờ bảng QCRV trên phố. Một doanh nghiệp đăng thông tin QCRV ở hầu hết các bảng QC trên địa bàn thị xã cho hay: "Được đăng tải thông tin QCRV miễn phí ở đúng địa điểm cần thiết thì đương nhiên chúng tôi không việc gì phải mất tiền thuê người đi dán trái phép".
Theo ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng VH-TT thị xã thì có được kết quả này là nhờ đội ngũ cán bộ cơ sở xác định rõ trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động QCRV. Cách mà thị xã Sơn Tây đã, đang thực hiện tuy không tốn kinh phí nhưng đòi hỏi rất nhiều công sức của đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ.
Quan tâm sâu sát
Khi mới ra quân, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thị xã là một "chiến sĩ" trên "mặt trận" chống QCRV trái phép. Bất kỳ vật dụng nào cũng thành "vũ khí" để xóa QCRV. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp thì sức người và phương tiện bóc xóa thô sơ như giẻ lau, xô, chậu lại hiệu quả. Thêm nữa, khi người dân góp sức vào việc bóc xóa QCRV, họ luôn có ý thức giữ gìn thành quả. Khi cơ bản hoàn thành việc bóc xóa, thị xã tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh về vị trí lắp đặt các bảng QCRV để người dân tiện trao đổi thông tin. Đến nay, toàn thị xã đã lắp dựng được 60 bảng QCRV miễn phí, trong đó có 43 bảng bằng xi măng trên tường nhà dân.
Ông Hứa Đức Thịnh cho biết: Lắp dựng mỗi bảng QCRV miễn phí bằng xi măng với kích thước 2x3m tốn không quá 500.000 đồng mà hiệu quả lại thiết thực, trong khi chi phí cho một bảng inox không dưới 7 triệu đồng mà hiệu quả lại không cao, do diện tích nhỏ. Cùng với việc lắp dựng bảng QCRV, thị xã Sơn Tây ban hành mẫu QC trên các bảng QCRV miễn phí. Theo đó, người có nhu cầu QCRV không được dán, viết, vẽ có nội dung chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền mê tín dị đoan. Kích thước tờ QCRV không lớn hơn 1/2 khổ giấy A4, dán từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, không dán chồng lên nhau. Người được giao nhiệm vụ bảo quản bảng phải thường xuyên theo dõi hoạt động QCRV, lập sổ theo dõi số lượng, nội dung, kích thước QCRV của các tổ chức, cá nhân.
Cơ chế linh hoạt
Hạn chế tình trạng QCRV trái phép xuất hiện trở lại, Sơn Tây còn tạo cơ chế thoáng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đối với những bảng diện tích còn trống, một tổ chức, cá nhân có thể dán cùng lúc nhiều tờ thông tin có nội dung trùng nhau. Nếu có QCRV mới thì thông tin cũ có nội dung trùng nhau vẫn được giữ lại ít nhất một tờ. Ai có nhu cầu QCRV chỉ cần liên hệ với người trông nom bảng là được dán, không cần qua các xã, phường, rất thuận tiện. Thị xã Sơn Tây giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cán bộ phòng văn hóa phụ trách 2-3 xã, phường. Họ thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường ý thức bảo vệ cảnh quan; ghi chép, quay phim, chụp ảnh vi phạm mới rồi gửi về các xã, phường, yêu cầu cơ sở tiến hành xử lý triệt để. Đó cũng là cách chỉ tên các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Không xử lý được, cán bộ phụ trách địa bàn phải trực tiếp xách nước, cầm chổi đi bóc, xóa QCRV. Ngoài ra, ngành VH-TT thị xã thường xuyên theo dõi các số điện thoại vi phạm nằm trong danh sách đề nghị cắt liên lạc bằng cách gọi thử. Cách làm này đã góp phần tạo hiệu quả răn đe.
Kiên trì những việc làm nhỏ nhưng thiết thực, việc tổ chức, quản lý hoạt động QCRV trên địa bàn thị xã Sơn Tây được lãnh đạo Sở VH,TT&DL Hà Nội đánh giá cao, là kinh nghiệm quý cho các địa phương khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.