Bước sang tuần thứ ba của năm học 2023-2024, bên cạnh việc tổ chức dạy học theo chương trình, các trường học thuộc thành phố Hà Nội đều ưu tiên sắp xếp thời khóa biểu cho việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh về kỹ năng xử lý tình huống khi gặp các nguy cơ không an toàn.
Yêu cầu nhiệm vụ và thực tế cho thấy, đây là nội dung không thể chủ quan và cần được cả nhà trường và gia đình học sinh quan tâm nhiều hơn...
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ
Năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có gần 2,3 triệu học sinh theo học tại hơn 2.800 trường học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Với quy mô giáo dục lớn nhất trong các địa phương trên cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội luôn xác định công tác bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng song song với nhiệm vụ dạy học.
Theo nhận định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường học đều có giải pháp phòng, tránh tai nạn thương tích để bảo đảm an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, với số lượng học sinh đông, các hoạt động giáo dục ngày càng nhiều và không chỉ tại trường mà còn ở ngoài nhà trường, thực tế vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ có thể gây mất an toàn cho học sinh và cần được thường xuyên rà soát, chấn chỉnh để kịp thời ngăn chặn.
Mới đây nhất là trường hợp học sinh lớp 9 bị đuối nước ở bể bơi tại trường học thuộc quận Hà Đông vào cuối tháng 8 vừa qua. Nguyên nhân chính của sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, nhưng có thể thấy, trong sự việc này có sự chủ quan, lơ là của giáo viên quản lý giờ học bơi.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, chủ yếu ở lứa tuổi từ 5 đến 19 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến con số đáng báo động này, trong đó có những tai nạn thương tích có thể được ngăn chặn hoặc giảm nhẹ nếu người lớn dành sự quan tâm nhiều hơn để bảo vệ hoặc hướng dẫn học sinh nhận biết được các nguy cơ có thể gây tai nạn và có kỹ năng phòng tránh, ứng phó.
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng, việc trang bị kiến thức, kỹ năng thoát hiểm như khi gặp cháy nổ, mưa bão… cho học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng triển khai nhiều năm qua, nhưng mức độ quan tâm và việc bố trí dạy học nội dung này ở từng nhà trường có sự khác nhau.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, nhiều phụ huynh học sinh thường chỉ quan tâm đến việc học của con, chưa hào hứng khi con tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường liên quan đến việc rèn luyện kỹ năng.
Coi trọng rèn kỹ năng
Vừa qua, 350 học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) đã hoàn thành, nhận chứng chỉ đạt yêu cầu môn bơi do nhà trường tổ chức. Đây là một nội dung bắt buộc đối với tất cả học sinh lớp 10 ngay sau khi nhập học vào trường từ nhiều năm nay.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa Cao Thanh Nga cho biết, dạy bơi là một trong nhiều kỹ năng mà học sinh nhà trường được học trong chương trình giáo dục và thực tế đã giúp học sinh tự tin hơn, an toàn hơn khi tham gia học tập và sinh hoạt tại cộng đồng. Cùng với học bơi, các học sinh còn được hướng dẫn kỹ năng sơ cứu bạn khi gặp nạn hoặc cách thoát hiểm trong tình huống nguy cấp…
Còn Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai) Nguyễn Minh Châu thông tin, nhà trường hiện có hơn 2.000 học sinh. Với đặc thù lứa tuổi và ở địa bàn huyện, hầu hết học sinh nhà trường đều tự đi học, nên việc phổ biến, giáo dục học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ là chuyên đề được triển khai ngay trong tháng đầu của năm học 2023-2024. Ngoài ra, do đặc điểm trường nằm ở vùng nông thôn, có nhiều ao hồ, nhà trường cũng nhắc nhở học sinh tránh xa những nơi nguy hiểm, đồng thời hướng dẫn học sinh cách phòng tránh tai nạn đuối nước.
Theo kế hoạch, ngày 22-9 tới đây, Công an quận Hà Đông sẽ tổ chức chuyên đề về phòng, chống cháy nổ tại Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông). Nội dung này đang được triển khai tại tất cả các trường học thuộc quận Hà Đông nhằm giúp học sinh nhận diện các nguy cơ gây cháy nổ tại trường, tại nhà và kỹ năng thoát hiểm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên Phương Thị Thìn cho biết, nhà trường có các chuyên đề riêng cho từng độ tuổi, ví dụ, học sinh lớp 1 được chú trọng hướng dẫn kỹ năng ghi nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại liên hệ khi cần thiết và cách xử trí khi gặp các tình huống khi bị bắt nạt hoặc đi lạc…
Việc này giúp các em tự bảo vệ mình trong trường hợp bố, mẹ đón muộn hoặc tự di chuyển về nhà. Với học sinh các khối lớp lớn hơn, nhà trường tập trung vào các nội dung cảnh báo về sự nguy hiểm và sự cám dỗ của các loại ma túy, từ đó giúp học sinh tự ý thức phòng tránh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.