(HNM) - Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) có quy mô sản xuất hơn 2ha, canh tác các loại rau ăn lá như: Cải mơ, cải ngọt, cải bó xôi, xà lách, rau mầm, giá đỗ... theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Việc áp dụng phương thức canh tác tiên tiến tại đây như trồng rau trong nhà màng giúp giảm ảnh hưởng bất thuận của thời tiết, sâu bệnh gây hại; sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, chăm sóc cây trồng, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, tạo ra nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Hợp tác xã Thanh Hà) Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ, hiện nay, hợp tác xã sản xuất nhiều loại rau nhưng chủ yếu là hai dòng sản phẩm chủ lực: Rau mầm, rau baby. Sản xuất rau mầm và rau baby năng suất không cao (300kg rau/sào/lứa), bán giá ổn định ở mức 60.000 đồng/kg. Những ngày qua, khi giá rau xanh trên địa bàn thành phố tăng mạnh nhưng đơn vị vẫn giữ giá ổn định, vì 100% sản phẩm của hợp tác xã cung ứng theo chuỗi, theo đơn đặt hàng của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch lớn..
Ðến nay, hợp tác xã có 30 sản phẩm rau được công nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 4 sao và mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn rau với doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm. Để chinh phục thị trường, ngay từ những ngày đầu sản xuất, rau mầm Thanh Hà đã lấy chất lượng làm tiêu chí đầu tiên. Đối với các loại rau mầm, hợp tác xã lựa chọn giá thể than bùn để loại bỏ tối đa thành phần độc tố. Để bảo đảm chất lượng, năng suất sản phẩm rau, hạt giống cần phải đạt tỷ lệ nảy mầm 90-95% trở lên so với rau ngoài đồng chỉ cần tỷ lệ 80%.
Do đó, hợp tác xã ký kết với các công ty cung cấp giống cây trồng, vì vậy, sản phẩm rau của hợp tác xã luôn bảo đảm chất lượng. Để có được rau mầm chất lượng tốt, thành viên hợp tác xã luôn tuân thủ khắt khe tiêu chí trong quy trình sản xuất, từ việc chọn giống, vệ sinh giá thể đến hệ thống nước tưới và chăm sóc rau.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ, so với các loại rau khác thì rau mầm có nhiều ưu điểm như giá trị dinh dưỡng cao hơn, thời gian sinh trưởng ngắn. Vào mùa hè, từ lúc gieo đến lúc thu hoạch là 5-6 ngày; mùa đông kéo dài thêm 2-3 ngày. Người tiêu dùng hiện nay quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm nên Hợp tác xã Thanh Hà luôn định hướng sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Bên cạnh thuận lợi trong sản xuất rau màu, khó khăn lớn nhất của đơn vị là không có nhà sơ chế. Theo quy định hiện nay, hợp tác xã không được xây dựng nhà sơ chế trên đất nông nghiệp. Với quy mô 2ha, hợp tác xã cần nhà sơ chế ít nhất 500m2 để lắp đặt dây chuyền đóng gói tự động, vừa giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm công lao động, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, thời gian từ thu hoạch đến giao hàng được rút ngắn. Về vấn đề này, hợp tác xã đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay chưa được giải quyết. Hợp tác xã rất mong khi chính sách đất đai thay đổi và chính sách về nông nghiệp công nghệ cao được thuận lợi, hợp tác xã sẽ có thêm điều kiện để phát triển.
Với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau sạch tăng cao, đơn đặt hàng ngày một nhiều nhưng hợp tác xã vẫn không đủ cung ứng. "Ngay cả các siêu thị, cửa hàng lớn, mỗi tuần chúng tôi cũng chỉ cung cấp được 3/7 ngày là có rau thường xuyên. Do đó, năm 2022, đơn vị đã nâng quy mô lên 20ha tại tỉnh Hà Nam với đầy đủ phân khu sản xuất, nhà sơ chế, kỳ vọng giai đoạn 2023-2025, sản lượng tăng 15-20 lần so với hiện nay", bà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ.
Theo Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường, trong xu thế "Nông nghiệp 4.0", phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ mà toàn ngành hướng đến. Với những mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp VietGAP của Hợp tác xã Thanh Hà luôn được ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương hỗ trợ trên mọi phương diện, tuyên truyền quảng bá thương hiệu, hỗ trợ kỹ thuật nhằm lan tỏa tới nhiều địa phương, hình thành thêm nhiều mô hình sản xuất rau an toàn chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.