Chỉ số TTCKVN đang không phản ánh đúng nền kinh tế VN (HNM) -
Ngân hàng Nhà nước không kịp thời tháo gỡ những hạn chế trong vấn đề tỉ giá hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn tiếp tục khó khăn. Ở góc độ vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới cũng sẽ bị hạn chế do vấn đề này...”- ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC – đã nhận định như vậy với HàNộimới khi trở về Việt Nam sau chuyến tham dự Diễn đàn Kinh Tế châu Á – Thái Bình Dương diễn ra vừa qua tại Nhật Bản.
Ông Đặng Thành Tâm và Tổng thống Mỹ Obama |
- Một trong những vấn đề trọng tâm được bàn thảo tại kỳ APEC lần này là làm sao đảm bảo được sự phát triển bền vững và phát triển đồng đều trong APEC, việc các nước đua nhau hạ giá đồng tiền đang gây nên một “cuộc chiến tranh tiền tệ”. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào, và theo ông, các nước đánh giá ra sao về giá trị của đồng tiền Việt Nam (VND) trên thị trường quốc tế?
- Về thương mại, APEC chiếm đến 60% thương mại toàn cầu, GDP của APEC chiếm 55% tổng GDP toàn cầu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy giao lưu thương mại với 21 nền kinh tế trong khối. Một thông điệp mà tôi cho rằng khá quan trọng hiện nay với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc làm ăn buôn bán với những nền kinh tế APEC là các quốc gia cam kết cùng phối hợp với nhau để thống nhất duy trì sự ổn định các đồng tiền của mỗi quốc gia, không sa đà vào “cuộc chiến” phá giá đồng tiền.
Trước đó, sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia đã phá giá đồng tiền, để được thêm lợi thế về cạnh tranh trong thương mại. Điều này sẽ mang lại sự không công bằng trong giao lưu thương mại giữa các quốc gia với nhau. Để phát triển bền vững, hầu hết các quốc gia đều đồng thuận trong việc hướng đến một thị trường tự do thông qua thiết lập khu vực thương mại mậu dịch tự do trong khu vực APEC - gọi là khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), để làm được việc này, từng nhóm các quốc gia sẽ thành lập khu vực mậu dịch tự do cho cả nhóm.
Ví dụ, hiện nay có P4, tức là khu vực mậu dịch tự do của 4 nước ( Singapore, Brunei, Chile, Pêru), và hiện đang đàm phán P9 (trong số 21 nền kinh tế APEC), trong đó có thêm Việt Nam, Hoa kỳ, Malaixia, Newzealand, Austrailia..., đang đăng ký tham gia. Nếu thành công thì Việt Nam hoàn toàn không cần phải đàm phán tham gia hiệp định song phương Việt Nam và Mỹ, Việt Nam và các nước trong P9. Điều này sẽ là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam khi mở cửa gia nhập vào các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Về đồng tiền Việt Nam (VND), theo đánh giá của nhiều nước, thì hiện VND vẫn được định giá cao hơn so với dự tính của quốc tế. Đối với quốc tế, vấn đề tiền tệ của Việt Nam cần được đưa về đúng giá trị và giữ ổn định thì sẽ thuận lợi hơn, cả về thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.
- Hiện Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc Trung Quốc tiếp tục giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức yếu đã được giải quyết như thế nào tại diễn đàn lần này?
- Trung Quốc đã và vẫn bị chỉ trích về vấn đề này. Tuy nhiên, họ cũng kiên quyết không tăng giá đồng nhân dân tệ và họ cho rằng, mức tỉ giá này là hợp lý. Về vấn đề tiền tệ, lãnh đạo các quốc gia của APEC cam kết không để cuộc chiến tranh tiền tệ xảy ra, tức là không khuyến khích hạ giá các đồng tiền và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn trong việc định giá đồng tiền trong thời gian tới cũng là điều tốt cho thương mại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam, vì tính ổn định của nó.
Trong tương quan này, đồng tiền của Việt Nam cần hạ giá thêm mới thúc đẩy phát triển xuất khẩu tốt hơn. Hiện nay VND vẫn được định giá cao hơn so với những đồng tiền khác. Điều thiệt thòi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là VND khi thanh toán quốc tế thông qua đồng đôla Mỹ chứ không bằng đồng Nhân dân tệ. VND chỉ được thanh toán một cách gián tiếp từ đô la Mỹ, thông qua nhân dân tệ, mặc dù, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng không ngừng trong những năm qua.
Có chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể xem xét việc ký hợp đồng hoán đổi tiền tệ Việt Nam và Trung Quốc để xuất nhập khẩu 2 nước không cần thông qua USD, tuy vậy, điều này cũng sẽ có nhiều hệ quả, khi chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều hơn chúng ta xuất khẩu vào Trung Quốc. Nếu có thể có giải pháp cân bằng xuất nhập khẩu này thì việc ký hoán đổi đồng tiền để xuất nhập khẩu không thông qua USD mới có tác dụng tốt.
Một số quốc gia khác trên thế giới đã ký kết những thỏa thuận hoán đổi đồng tiền giữa hai bên với Trung Quốc và đem lại lợi ích cho họ vì không lệ thuộc vào giá trị đồng USD, nếu là những đối tác thương mại lớn với nhau.
Thực tế, quan điểm của Trung Quốc luôn muốn ký với các đối tác thương mại không thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Những đối tác thương mại của Trung Quốc như Brazil, Achentina đều thanh toán bằng đồng tiền giữa hai bên, chứ không dùng đồng đô la Mỹ. Nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận này với Trung Quốc, Việt Nam sẽ giảm bớt rủi ro về tỷ giá khi đồng đô la Mỹ tăng giảm bất thường như trong thời gian qua. Chính rào cản về vấn đề tỉ giá đang gây khó khăn và thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy vậy, chỉ khi chúng ta cân bằng xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì điều đó mới có nhiều ý nghĩa với ta.
- Tại diễn đàn, cộng đồng các doanh nghiệp APEC đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam ra sao? Cơ hội nào cho Việt Nam trong việc kêu gọi thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
- Các nhà đầu tư nhìn nhận Châu Á vẫn là nơi hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư được dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại về tỷ giá. Bởi khi bỏ vốn vào Việt Nam đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển sang VND. Ví dụ năm 2010, trong vòng 12 tháng qua, VND đã bị trượt giá hơn 10%. Cuối mỗi chu kỳ kinh doanh, khi hạch toán lợi nhuận, những nhà đầu tư mua ngoại tệ trở lại, họ sẽ bị lỗ về tỷ giá. Ví dụ, một nhà đầu tư Mỹ vay vốn ở nước họ với mức lãi suất 2%/năm, tỷ giá 1 đô la Mỹ đổi được 20.000 đồng, nhưng năm sau người ta muốn mua một đô la Mỹ phải bỏ ra trung bình 22.000 đến 24.000 đồng. Như tôi đã nói ở trên, lần này cũng lại là một vướng mắc trong vấn đề về tỉ giá nhưng ở góc độ khác. Chúng ta cần được tính toán lại tỉ giá sao cho hợp lý và ổn định đồng tiền một thời gian hợp lý. Có vậy mới có thể khuyến khích được mạnh hơn nữa đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.
- Liên quan đến chính sách tiền tệ trong nước, ông đánh giá như thế nào về vấn đề “Khủng hỏang niềm tin” trên thị trường chứng khoán hiện nay?
- Năm ngoái khi chỉ số Down Jones hơn 10.000 điểm thì chỉ số VN -Index khoảng hơn 600 điểm, nhưng năm nay khi chỉ số Down Jones hơn 11.000 điểm thì chỉ số VN - Index chỉ còn xấp xỉ mức 400 điểm. Điều này chứng minh chỉ số chứng khóan Việt Nam đang không phản ánh đúng nền kinh tế Việt Nam (năm ngoái GDP tăng trưởng 5,25% trong khi năm nay GDP tăng khỏang 6,7%).
Việc giảm này là do ảnh hưởng trực tiếp của chính sách tiền tệ: Điều tiết và quá thắt chặt tiền tệ vì vẫn lo lạm phát quay trở lại. Hệ quả của chính sách này sẽ dẫn đến lãi suất tăng quá cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh và mở rộng sản xuất. Ngòai ra, các chính sách tiền tệ thay đổi liên tục cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các nhà đầu tư Việt Nam. Điều này đi ngược lại xu huớng tăng chung và giảm ít của chứng khóan thế giới và chắc chắn tôi tin là VN - Index sẽ phải tăng trở lại. Tất nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào bản chất căn cơ của nền kinh tế, vào sự hồi phục bền vững. Khi chỉ số tiêu dùng phát triển trở lại mạnh mẽ thì sẽ kích thích sản xuất từ đó kích thích kinh tế phát triển. Và chính niềm tin của người tiêu dùng, của nhà đầu tư sẽ khiến thị trường bật trở lại.
Tôi nhấn mạnh: Khủng hỏang kinh tế không có nghĩa là chấm hết mọi thứ. Khủng hỏang luôn đi kèm với rất nhiều cơ hội. Vấn đề chủ yếu ở đây là phải khôi phục niềm tin như thế nào, khôi phục lại ý chí, và kiên định với đường đi đã chọn trên cơ sở chuẩn bị và phân tích kỹ lưỡng rồi.
- Là người đứng đầu một trong những tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam, ông dự báo thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
- Qua hội nghị APEC chúng ta thấy rất rõ bối cảnh kinh tế tòan cầu. Năm 2010, các nước APEC đã cơ bản chấm dứt khủng hỏang và đặc biệt khu vực châu Á đã tăng trưởng rất manh mẽ. Tuy vậy, theo dự đóan của APEC thì năm 2011 kinh tế khu vực APEC sẽ giảm 20% so với năm 2010. Vì vậy một số nước sẽ áp dụng chính sách kích thích kinh tế như Mỹ áp dụng gói kích cầu 600 tỷ USD, Nhật Bản 100 tỷ USD…,để duy trì kinh tế không rơi vào vòng xóay thứ hai.
Tôi cho rằng, năm 2011 Việt Nam vẫn có nhiều điều kịện thuận lợi để phát triển do đảm bảo ổn định về chính trị; môi trường đầu tư vẫn còn sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, chí phí nhân công thấp; lạm phát vẫn trong mức kiểm soát được... Vấn đề quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm thông qua đầu tư nước ngòai và xuất khẩu, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngòai và xuất khầu sẽ ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách thuế về tài nguyên môi trường nếu điều chỉnh hợp lý cũng đem lại ra nguồn thu lớn. Và quan trọng nhất, theo tôi, là cần có những chính sách tiền tệ ổn định để đem lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Kinh tế Việt Nam năm 2011 sẽ vượt qua mức tăng trưởng 5,3% của 2009 nhưng có cao hơn năm 2010 vẫn còn là một ẩn số, sẽ tùy thuộc rất lớn vào tình hình chung thế giới và chính sách vĩ mô của Việt Nam. Tuy vậy, với khí thế của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, với những tiềm lực và tư duy mới trong tổ chức điều hành, chắc chắn sẽ là động lực rất lớn để tăng trưởng kinh tế, cũng như động lực đưa VN - Index trở về đúng giá trị, phản ánh trung thực nền kinh tế Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.