(HNMO) - Chiều 28-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. |
Những điểm mới được quy định trong dự án luật
Dự thảo luật gồm 6 chương 40 điều, trong đó có nhiều điểm mới như không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại công an địa phương nơi thuận tiện nhất. Quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.
Đối với hộ chiếu phổ thông, theo quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn một ngày vẫn phải đến công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn một ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Dự thảo mới không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai.
Ngoài ra, công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Quy định này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực…
Về giấy tờ xuất nhập cảnh, dự án luật quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: Gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.
Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm (để phù hợp với Luật Căn cước công dân), có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm (không gắn chíp điện tử).
Thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, không phát sinh thêm mẫu mới.
Rà soát để quy định chặt chẽ điều kiện xuất nhập cảnh
Tại báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của các quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử và quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nên đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp để có lộ trình thực hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi.
Từ năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam”. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Bộ Công an sớm hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng, bảo đảm cho việc sản xuất hộ chiếu có gắn chíp điện tử và vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. |
Về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh, có ý kiến đề nghị rà soát để quy định chặt chẽ điều kiện xuất nhập cảnh; bổ sung trường hợp chưa cho nhập cảnh để ngăn chặn đối tượng vì lý do quốc phòng, an ninh nhập cảnh về nước hoạt động; bổ sung điều kiện nhập cảnh đối với người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Hiến pháp năm 2013 đều đã khẳng định xuất cảnh, nhập cảnh là quyền công dân; các quyền trên sẽ bị hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe và đạo đức xã hội, các quyền tự do của người khác.
Do vậy, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; đồng thời, bổ sung quy định người đại diện hợp pháp đi cùng đối với người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi khi nhập cảnh Việt Nam.
Đối với Khoản 6 dự án luật quy định tạm hoãn xuất cảnh vì lý do dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm, tờ trình nêu hai loại ý kiến: Đề nghị không nên quy định trong luật (phương án 2) và đề nghị quy định trong luật (phương án 1).
Ông Võ Trọng Việt nêu Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với loại ý kiến thứ hai gắn với phương án 1 và cho rằng việc quy định trường hợp hạn chế xuất cảnh vì lý do dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm nhằm mục đích bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân; phong tỏa vùng dịch, ngăn chặn, dập dịch lây lan ra cộng đồng; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và một số Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng.
Đối với các nội dung khác, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, tránh lạm dụng, áp dụng tùy tiện quy định này.
Chiều 28-5, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu, mục đích xây dựng Luật nhằm xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dự thảo luật gồm 5 chương, 47 điều với nội dung cơ bản gồm các quy định nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng DBĐV, các hành vi bị nghiêm cấm; quy định kế hoạch xây dựng, kế hoạch huy động, kế hoạch tiếp nhận lực lượng DBĐV; quy định về chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng này… Tại báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng DBĐV như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung về một số nội dung cụ thể như: Các trường hợp huy động lực lượng DBĐV; thẩm quyền huy động lực lượng DBĐV khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh; chế độ, chính sách và chế độ trợ cấp đối với quân nhân dự bị và gia đình quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.