(HNM) - Chiều 6-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt tác phẩm Truyện Kiều bằng tiếng Nga.
Sự kiện này được coi là điểm nhấn quan trọng trong hành trình quảng bá tinh hoa văn học, văn hóa và con người Việt Nam với bạn đọc và nhân dân Nga.
Tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác văn học của dân tộc Việt Nam. Hơn một thế kỷ qua, Truyện Kiều đã lần lượt được dịch và giới thiệu bằng 20 ngôn ngữ, trong đó, với một số ngôn ngữ lại có nhiều bản dịch khác nhau, ví dụ như tiếng Pháp có 6 bản dịch, tiếng Trung có 3 bản dịch... Với tiếng Nga, trước đây, đã từng có hai bản dịch, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên các bản dịch này vẫn chưa đạt tới sự hoàn chỉnh. Bản dịch Truyện Kiều của nhóm dịch giả Việt Nam và Nga lần này là một công trình tập thể, được coi là nhịp cầu văn hóa giữa Liên bang Nga và Việt Nam, giúp bạn đọc và nhân dân Nga hiểu hơn về đất nước, con người và tâm hồn Việt Nam.
Chia sẻ về cơ duyên của sự ra đời tác phẩm Truyện Kiều bằng tiếng Nga, TS Nguyễn Huy Hoàng, người tổ chức biên dịch và tham gia hiệu đính tác phẩm cho biết, trong nửa thế kỷ qua, rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Nga và các tác phẩm văn học Nga hầu hết đã được dịch sang tiếng Việt. Truyện Kiều của Việt Nam đã được đưa vào giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học và trung tâm văn hóa phương Đông ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, nhưng đại đa số người dân Nga chưa có cơ hội tiếp cận tác phẩm này. TS Nguyễn Huy Hoàng ấp ủ ý định dịch tác phẩm này sang tiếng Nga để giới thiệu cái hay, cái đẹp và giá trị độc đáo của tác phẩm. Ý tưởng đẹp là vậy nhưng cơ hội hiện thực hóa ý tưởng đó chỉ tới từ năm 2013, sau khi ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Xvetlov - Liên bang Nga ngỏ ý tài trợ việc dịch tác phẩm này.
Tác phẩm do nhóm dịch giả Việt - Nga thực hiện từ năm 2013, gồm TS Nguyễn Huy Hoàng, dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi (đảm nhận việc dịch phần văn xuôi), nhà thơ Nga Vaxili Popov (dịch phần thơ) và nhà Việt Nam học người Nga - Anatoli Socolov. Khác với các bản trước đây được dịch giả tóm tắt và dịch qua các bản tiếng nước ngoài, tác phẩm Truyện Kiều bằng tiếng Nga lần này được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Việt, dựa theo văn bản tập khảo đính Truyện Kiều của GS Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang tiếng Nga vẫn mang tên Kiều.
Theo các dịch giả, khi tiến hành chuyển ngữ Truyện Kiều, họ không chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ thông thường, mà phải vượt qua sức ép từ vô số thành ngữ, tục ngữ, tiếng địa phương, điển cố và các danh xưng hơn hai trăm năm về trước. "Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định là không phải giải mã, chuyển nghĩa thông thường, mà mục đích cuối cùng phải đạt tới là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung Truyện Kiều mà không làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam" - TS Nguyễn Huy Hoàng nói.
Trong quá trình dịch Truyện Kiều, nhóm dịch giả tuân thủ nguyên tắc là sau khi dịch Truyện Kiều ra văn xuôi, bản dịch đó sẽ được hiệu đính lần thứ nhất và chỉ sau khi tiến hành xong lần hiệu đính thứ hai thì mới dịch ra thơ. Nhà thơ Vaxili Popov, người đảm nhận việc dịch phần thơ cho biết, cái khó khi chuyển ngữ Truyện Kiều là Việt Nam và Nga bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa, một nước là phương Đông và một nước là phương Tây. Một khó khăn nữa là số lượng điển cố, điển tích trong tác phẩm rất nhiều, phải mất rất nhiều thời gian tìm tòi, suy nghĩ để chuyển tải trọn vẹn thông điệp của tác phẩm.
Truyện Kiều phiên bản tiếng Nga gồm 340 trang, khổ 15x23cm, được in với số lượng 5.000 cuốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.