(HNMO) - Sách cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị về Hội nghị Giơnevơ năm 1954, về lịch sử quan hệ quốc tế, lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Lễ ra mắt sách “Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954” (bản tiếng Việt) diễn ra chiều 28-8, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội (số 501 Kim Mã, Ba Đình).
Nhằm khẳng định hơn nữa những giá trị, ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Giơnevơ, cũng như làm sáng tỏ những vấn đề về cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương, năm 2017, trong khuôn khổ những nội dung hợp tác đã được ghi nhớ và ký kết giữa cơ quan lưu trữ quốc gia hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) và cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga đã phối hợp biên soạn cuốn sách “Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954”. Sách đã được cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga xuất bản bằng tiếng Nga năm 2017 nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Năm 2019, nhân dịp “Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam” (Năm hữu nghị chéo Việt-Nga), kỷ niệm 25 năm Ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tiếp tục biên soạn, xuất bản cuốn sách này trên cơ sở biên dịch, chọn lọc nội dung từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của công chúng trong và ngoài nước.
Sách dày 900 trang, giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh được tập hợp từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Việt Nam và Liên bang Nga, gồm văn kiện, văn bản, thư từ, thông báo, biên bản, nội dung các bản điện đàm… về Hội nghị Giơnevơ, cũng như phong trào quốc tế cộng sản ủng hộ hòa bình tại Đông Dương và tình hình Việt Nam bắt đầu từ năm 1950 cho đến thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954.
Việc giới thiệu tuyển tập bằng tiếng Việt mang ý nghĩa quan trọng, giúp đông đảo độc giả Việt Nam có thể tiếp cận những hình ảnh, tài liệu quý, tạo cơ hội tiếp cận bản gốc của những tài liệu lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.