(HNM) - 17h hôm qua 4-8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có mặt tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ để giải đáp những vấn đề liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin.
Phân minh công, tội của Vinashin
Mở đầu cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố toàn văn thông báo về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Vinashin. Đây là kết quả sau khi Chính phủ đã thảo luận kỹ lưỡng và đi đến thống nhất về các vấn đề liên quan. Thông báo nêu rõ kết quả hoạt động, xác lập vị thế và quá trình sa sút của tập đoàn này.
Giai đoạn 1996-2007, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của Vinashin đạt từ 35% đến 40% và đều có lãi. Từ chỗ vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 100 tỷ đồng và chỉ đóng được tàu từ 1.000 đến 3.000 tấn, đến nay, vốn chủ sở hữu của tập đoàn đã tăng lên 8.000 tỷ đồng, giá trị tài sản là 104.000 tỷ đồng, đóng được tàu hàng đến 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn, tàu chở ô tô đến 6.900 xe… Vinashin cũng chế tạo thành công nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu 100% như thép tấm khổ lớn, cần cẩu 150 tấn, cổng trục 450 tấn, máy ép thủy lực 2.000 tấn, chân vịt tàu 10.000 tấn, lắp ráp động cơ 8.400 mã lực…
Nhưng bước vào năm 2008, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính, Vinashin bắt đầu sa sút nghiêm trọng do chịu tác động nặng nề về thị trường và nguồn vốn. Ngân hàng thắt chặt cho vay, các dự án đầu tư đang triển khai thiếu vốn, nhiều hợp đồng đóng tàu đã ký không tiếp tục vay được vốn để hoàn thành đúng tiến độ. Ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ USD. Riêng trong năm 2010, số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới 700 triệu USD. Trong khi đó, công tác dự báo còn nhiều bất cập, việc lập kế hoạch phát triển và đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư của Vinashin quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính. Hầu hết dự án đầu tư đều triển khai dở dang, các dự án này chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi… Để giải quyết những khó khăn này, Vinashin phải vay nợ mới trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Từ đầu năm 2009, Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6-2010, tổng số nợ của Vinashin là 86.000 tỷ đồng, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, nghỉ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó của Vinashin là do chủ quan từ lãnh đạo tập đoàn đến quản lý nhà nước của Chính phủ. "Nếu chúng ta có tập đoàn "khỏe" về quản trị, lãnh đạo, điều hành, năng lực tài chính và được quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ hơn thì những khó khăn bên ngoài không tác động đến mức bên bờ vực phá sản như vậy" - Phó Thủ tướng nhận xét.
Hình thành một "Vinashin mới" vào năm 2015
"Chúng ta là đất nước có thế mạnh về biển, nên phát triển công nghiệp đóng tàu là cần thiết. Nếu để Vinashin phá sản, sau này chúng ta sẽ lại phải xây dựng một doanh nghiệp mới. Vì vậy, Chính phủ quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp tàu thủy mạnh mà nhiệm vụ trước mắt là xây dựng lại một Vinashin mới" - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết. Trên cơ sở tính toán, Chính phủ đã thống nhất phương án tái cơ cấu Vinashin với những giải pháp hết sức căn cơ, nghiêm túc. "Vinashin có năng lực, trong khi tình trạng của tập đoàn vẫn kiểm soát được, "chưa tuột khỏi tay chúng ta " - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định.
Phó Thủ tướng khẳng định, Vinashin sẽ cơ cấu lại theo hướng thu hẹp ngành kinh doanh. Trước mắt, tập đoàn sẽ chỉ tập trung vào 13 dự án trong số 28 dự án hiện nay. Từ nay, các ngành chính của Vinashin sẽ chỉ còn là đóng tàu, sửa chữa tàu biển và công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu. Các dự án khác, các công ty con mà Vinashin đã góp vốn đều sẽ được cơ cấu lại hoặc bán, chuyển nhượng nhằm tập trung vốn cho các ngành chính. Việc sản xuất sẽ được tiếp tục trên cơ sở những đơn đặt hàng đang có gồm 81 tàu nước ngoài và hơn 40 tàu trong nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Vinashin sẽ giữ chân người lao động và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để có lực lượng đóng tàu ngày càng chuyên nghiệp. Đối với các khoản nợ của Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ không bỏ tiền ra để trả nợ cho tập đoàn, Vinashin phải tự cân đối. Chính phủ sẽ chỉ bổ sung vốn điều lệ và có thể phát hành trái phiếu và cho tập đoàn vay để khắc phục khó khăn, nhưng Vinashin phải trả theo đúng quy định. Theo phương án sản xuất kinh doanh mới của Vinashin, giai đoạn 2010-2012 vẫn còn lỗ, nhưng dự báo năm 2013-2014 sẽ bắt đầu có lãi, từ năm 2015 sẽ phát triển ổn định. Phó Thủ tướng cho rằng, từ năm 2015 sẽ có một "Vinashin mới".
Đối với việc xử lý khuyết điểm, sai phạm liên quan đến quá trình sa sút của Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đang cho thanh tra, kiểm tra, điều tra để làm rõ những sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan. Tất cả đều sẽ phải rút kinh nghiệm và sửa chữa. Cá nhân nào làm trái các quy định của Nhà nước, của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đều sẽ bị kỷ luật về Đảng, chịu xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Trả lời báo chí về trách nhiệm cá nhân ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ông Phạm Thanh Bình có trách nhiệm trực tiếp trong nhiều việc; những việc này sẽ tiếp tục được điều tra để làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Kinh tế tiếp tục hồi phục ấn tượng trong tháng 7 Tại cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục cho thấy Chính phủ đang làm tốt 3 mục tiêu là duy trì tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững kinh tế vĩ mô. Kết quả kinh tế tháng 7 rất đáng mừng với các chỉ số ấn tượng về dịch vụ, du lịch, thu ngân sách, xuất khẩu, nhập siêu… Các chỉ tiêu kinh tế đều cao hơn dự kiến cho thấy rõ khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng trên 13%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh, tiêu biểu là chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 1% so với tháng 6, tính chung 7 tháng tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2009... Đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 0,06% so với tháng 6. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung quản lý giá thuốc và giá sữa, không tăng giá bán than cho ngành điện, điều hành giá xăng dầu nhịp nhàng… nhằm bảo đảm mức lạm phát trong khoảng 7-8%. Chính phủ cũng sẽ tập trung giảm bội chi ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính là phấn đấu dưới 6%. Tăng cường xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu dưới 20%. |
Quy định đa ngành nhưng thiếu chi tiết, cụ thể Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Chính phủ rút ra nhiều kinh nghiệm từ trường hợp của Vinashin, trước hết là việc phân cấp, trao quyền cho các chủ tịch tập đoàn nhưng phải theo quy hoạch và danh mục được duyệt. Hơn nữa, cơ chế hiện nay cho phép các tập đoàn phát triển đa ngành, nhưng không nói rõ là ngành gì, tỷ lệ % bao nhiêu. Đây là cơ chế cần phải sửa. |
Nhiều lần phát hiện sai phạm của Vinashin Tại cuộc họp báo, ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2006 đến năm 2010, đã có 11 cuộc thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và Thanh tra Chính phủ đối với Vinashin. Nhưng chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện nào như cuộc kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra TƯ vừa qua. Nhiều sai phạm của Vinashin đã được phát hiện trong các cuộc kiểm tra đó. Nhưng sở dĩ sai phạm kéo dài vì chưa có chế tài xử lý nghiêm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.