(HNM) - Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 ngày 15-2-2023 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023. Thực hiện kế hoạch này, lực lượng chức năng của các địa phương trên địa bàn thành phố đã, đang ra quân trên tinh thần không "đánh trống bỏ dùi", quyết tâm giành lại vỉa hè, lòng đường.
Làm đến đâu dứt điểm đến đó
Với quyết tâm "làm đến đâu dứt điểm đến đó", Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 nêu rõ các bước thực hiện, gồm: Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định, ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, trả lại nguyên trạng vỉa hè. Đáng chú ý, từ ngày 1-3 đến 31-3 sẽ tổng kiểm tra, xử lý vi phạm cố tình tồn tại; từ ngày 1-4 đến 1-11 tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, chống tái lấn chiếm.
Tại phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), ghi nhận thực tế ngày 27-2 của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, vỉa hè các tuyến phố Lý Thái Tổ, Lò Sũ… đã được sắp xếp trật tự, không bị chiếm dụng để bày hàng hóa kinh doanh. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ Vũ Tuấn Phong, UBND phường đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, vận động các hộ dân, hộ kinh doanh thực hiện văn minh đô thị, bảo đảm an toàn giao thông. Lực lượng chức năng của phường cũng kẻ vẽ lại ranh giới, hướng dẫn người dân để xe đúng quy định trên vỉa hè. Trong thời gian vừa qua, phường đã xử lý 19 trường hợp lấn chiếm hè phố kinh doanh, ô tô dừng đỗ sai quy định, bán hàng rong…
Còn trên các tuyến đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Trung Kính thuộc phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), hàng loạt hàng quán lấn chiếm vỉa hè trước đây đã được xử lý. Bà Nguyễn Thu Hà (người dân phố Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa) cho biết: "Mỗi khi lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị thì vỉa hè, lòng đường các tuyến phố được phong quang, sạch đẹp. Chúng tôi mong các cấp chính quyền duy trì thường xuyên việc này để đô thị được văn minh".
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Mạnh Hùng, UBND phường đã có công văn gửi các hộ kinh doanh, người dân đề nghị chấp hành nghiêm các quy định, tự tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển hiệu, vật dụng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...; để xe máy theo hàng lối trong vạch sơn cho phép. Bắt đầu từ ngày 23-2, UBND phường đã tổ chức các lực lượng tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hiện nay, một số phường của các quận Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân… đang tập trung công tác tuyên truyền, ký cam kết với các hộ kinh doanh, người dân chấp hành các quy định về trật tự đô thị, trật tự công cộng; đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa
Bên cạnh những địa phương tích cực ra quân thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197, ghi nhận của phóng viên trong các ngày 26, 27-2 cho thấy, vẫn còn nhiều vi phạm trật tự đô thị chưa được giải quyết.
Tại khu vực vỉa hè trước cửa số nhà 73, 75, 77 đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), tình trạng xe máy, quán trà đá lấn chiếm để bán hàng vẫn tồn tại. Ngay trước cổng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch trên đường Phạm Văn Đồng luôn có 2 quán trà đá bày bàn ghế chiếm dụng vỉa hè. Những người bán hàng ăn trên xe đẩy cũng tận dụng lòng đường để kinh doanh.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán cũng xảy ra khá phổ biến tại phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Theo ghi nhận tại số nhà 500-530 phố Thụy Khuê trong ngày 27-2, trên vỉa hè là cảnh tượng hàng ăn nhộn nhịp, còn dưới lòng đường thì xe máy, ô tô đỗ lộn xộn và không bảo đảm an toàn giao thông.
Còn tại khu vực trước cổng chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) trong chiều 27-2, hình ảnh một số tiểu thương kê bàn, ghế lấn chiếm vỉa hè để buôn bán đồ lễ diễn ra một cách công khai. Có hàng loạt thùng xốp, ghế nhựa được kê ra để trưng bày hàng hóa. Tương tự, khu vực Vườn hoa Bồ Đề (quận Long Biên) vẫn xảy ra tình trạng người dân chiếm dụng một phần không gian vui chơi để làm điểm đỗ xe không phép. Theo ghi nhận, trên khoảng đất trống rộng chừng khoảng 250-300m2 trong khuôn viên Vườn hoa Bồ Đề, vốn là nơi đá bóng, chơi cầu lông của người dân, nay đã biến thành điểm đỗ xe ô tô.
Để hoàn thành nhiệm vụ phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm như Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 đề ra, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết dứt điểm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Ngoài ra, thông qua kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ đánh giá đúng tình hình công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố; phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời kiến nghị UBND thành phố, các cơ quan hữu quan khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan, đặc biệt là kiểm tra, xử lý thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ‘‘đánh trống bỏ dùi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.