(HNM) - Sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ ngày 23-10 đến 24-11) đã kết thúc tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Nhật Nam |
Đổi mới, sáng tạo và hành động
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã khép lại với những kỳ vọng tốt đẹp của cử tri và nhân dân cả nước. Mặc dù diễn ra với thời gian ngắn hơn thông lệ, chỉ kéo dài trong 26 ngày làm việc, song kỳ họp đã ghi nhận được nhiều cái “nhất”. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là kỳ họp có số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều nhất từ trước đến nay. Tại kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất so với nhiều kỳ họp gần đây để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt có 11/26 ngày làm việc của Quốc hội được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi và cảm nhận rõ hơn diễn biến tại nghị trường.
Mặc dù thời gian làm việc ngắn hơn, nhưng một khối lượng lớn công việc đã được Quốc hội giải quyết, từ lập pháp, giám sát tối cao đến việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Những vấn đề kinh tế - xã hội phải thực hiện ngay trong năm 2018, như: Tinh gọn bộ máy, phòng chống tham nhũng và phát triển bền vững đất nước, giảm thâm hụt ngân sách và nợ công... cũng đã được Quốc hội phân tích, thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng, đề ra các giải pháp.
Đặc biệt, với vai trò đại diện cho tiếng nói của cử tri cả nước, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đánh giá thấu đáo về những điểm còn bất cập của Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), thống nhất dành thêm thời gian để thảo luận kỹ hơn trước khi thông qua dự án luật quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động tiếp tục được thể hiện rõ tại kỳ họp này. Việc đổi mới cách thức thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tăng thời gian thảo luận tại hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là thảo luận về các báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.
Chất vấn sắc sảo, trả lời thẳng thắn
Một trong những điểm nổi bật của kỳ họp này là chất lượng của phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Cũng như các kỳ họp trước, hoạt động này luôn sôi động và thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri cả nước. Hàng loạt vấn đề “nóng” về nợ công, thuế, hải quan, hoạt động ngân hàng, nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, tình trạng tham nhũng… đã được các đại biểu phân tích, đánh giá dưới những góc nhìn sắc sảo, đa chiều.
Nhiều thành viên Chính phủ mặc dù lần đầu ngồi “ghế nóng”, song đã thẳng thắn trả lời những câu chất vấn hóc búa của đại biểu Quốc hội. Điều này thể hiện bản lĩnh, sự sâu sát của các thành viên Chính phủ đối với lĩnh vực mình được phân công quản lý. Qua ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và nhân dân cả nước đã cảm nhận rõ hơn về một Chính phủ hành động và kiến tạo. Đồng thời tăng thêm niềm tin về việc xây dựng một Chính phủ gần dân, trách nhiệm, nói đi đôi với làm theo khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhận xét về các phiên thảo luận, chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Quốc hội đã tăng cường hình thức tranh luận nhằm đổi mới hoạt động này. Sự đổi mới giúp đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ có thêm sự trao đổi, làm rõ thêm vấn đề và cách làm sẽ được tiếp tục phát huy.
Khép lại một kỳ họp sôi động với quyết tâm đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, ngay sau kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cần tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Qua đó, cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng có nhiều hơn nữa những kỳ họp sôi động, mang hơi thở cuộc sống. Bởi chỉ khi những vấn đề thiết thực, gần gũi với đời sống của người dân được đưa ra phân tích, thảo luận kỹ lưỡng tại nghị trường thì các quyết sách vĩ mô được đưa ra mới không xa rời thực tế, đáp ứng đúng và trúng nguyện vọng của nhân dân.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thông qua 6 luật, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến với 9 dự án luật, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.