(HNM) - Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), cùng với cả nước, thành phố Hồ Chí Minh luôn năng động, sáng tạo, tìm tòi cách làm mới để vươn lên những tầm cao mới. Trong bối cảnh hiện nay, phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khơi dậy ý chí quyết tâm, đổi mới, sáng tạo để đạt được những thành tựu vượt bậc.
34.000 sáng kiến gỡ khó trong 10 năm
10 năm đầu sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là giai đoạn thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận kinh tế; nguồn viện trợ sụt giảm; những hệ quả duy ý chí trong thực hiện cơ chế quan liêu bao cấp..., gần 4 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh lâm vào cảnh có lúc thiếu ăn, thiếu mặc.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực kể: Lúc bấy giờ, hai nhiệm vụ được đặt ra đối với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh là lo cho dân đủ ăn và vực dậy nền sản xuất. Nhiều quyết định táo bạo đã được đưa ra.
Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh còn ghi rõ việc “xé rào” mua gạo từ miền Tây đưa về thành phố bằng giá thị trường, cao gấp 5 lần giá Nhà nước quy định để cứu đói cho dân, vượt lệnh “ngăn sông, cấm chợ”. Chính quyền thành phố mượn tài sản, vàng của nhân dân để đổi USD nhập nguyên, vật liệu cho nhà máy sản xuất. Thành phố triển khai kế hoạch 3 lợi ích (lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động); thực hiện cơ chế lương khoán, trả lương theo sản phẩm… “Từ đầu những năm 80, nền kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu phát triển, tăng trưởng mọi mặt. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp đã chiếm hơn 30% tổng sản lượng công nghiệp của cả nước...”, ông Phạm Chánh Trực nhớ lại.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, hiệu quả của sự năng động, sáng tạo từ hơn 34.000 sáng kiến áp dụng trong 10 năm tại thành phố Hồ Chí Minh lúc đó đã góp phần giúp lãnh đạo Đảng có những quyết sách về mô hình phát triển kinh tế quốc gia tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986).
Thời kỳ đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn đi đầu, thí điểm những cách làm mới như đổi đất lấy hạ tầng, BOT giao thông, mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, mô hình nông nghiệp đô thị, sàn giao dịch công nghệ, các dự án đối tác công tư, xã hội hóa giáo dục...
Từ sau đổi mới đến nay, tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm thường cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước, đóng góp 22% trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 28% ngân sách cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ở thành phố năm 2020 đạt khoảng 7.000 USD, gấp 2 lần bình quân cả nước, làm tốt trọng trách là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thách thức mới, vận hội mới
Trải qua dịch Covid-19 với những thiệt hại rất lớn về người và của, thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều thách thức về suy giảm tăng trưởng, dân số cơ học tăng nhanh… Để khắc phục những vấn đề này, thành phố được trung ương khuyến khích tiếp tục truyền thống năng động, đổi mới, sáng tạo vượt khó vươn lên.
Ngày 30-12-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Đến năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á…
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trung ương đã ủng hộ những đề xuất mới của thành phố về thí điểm nhiều việc mới, việc khó. Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết mới về một số cơ chế, chính sách đặc thù với 40 nội dung chính sách để thành phố rộng đường phát triển. Yếu tố quyết định lúc này chính là tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo của chính quyền và người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 4-4 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Thí điểm có nghĩa là làm những việc đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội mà chưa có quy định hoặc có mà chưa đủ. Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng nhận làm thí điểm để rút kinh nghiệm, hoàn thiện nhân rộng ra toàn quốc. Nhiệm vụ mới phải đi đôi với con người mới. Lãnh đạo thành phố sẵn sàng bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám “xé rào” vì lợi ích chung để phát triển”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.