Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu nối về một “thời hoa lửa”

An Nhi| 30/04/2023 06:41

(HNM) - Những lá thư thời chiến đã ghi tạc và hiển hiện chân thực một thế hệ hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu quê hương, gia đình mãnh liệt; một lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ; một ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đó chính là những chiếc cầu nối về một “thời hoa lửa”, được nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm, tuyển chọn một phần trong cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” ra mắt những ngày tháng 4 lịch sử.

Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng giới thiệu về cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.

Kỷ vật thiêng liêng, tư liệu quý giá

Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” dày 400 trang, giới thiệu 200 trong hàng triệu lá thư viết trong những năm tháng kháng chiến, do nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Tác giả của những lá thư ấy đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, thuộc nhiều thành phần khác nhau, như công nhân, nông dân, trí thức, nghệ sĩ, họa sĩ, sinh viên… Những lá thư của họ nối tiền tuyến với hậu phương, gửi gắm thông tin, lời tâm sự, sẻ chia, thăm hỏi, chúc mừng, động viên tới người thân, kể những câu chuyện chân thực, sinh động về một “thời hoa lửa” đầy nhiệt huyết và tự hào.

Viết lời tựa cho cuốn sách, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xúc động: “Là một người chiến sĩ đã đi qua cuộc chiến tranh, từng chịu đựng sự tra tấn dã man của chế độ thực dân, đế quốc, tôi thấm thía và vô cùng xúc động trước những lá thư, những kỷ vật vô giá của các anh, các chị, là chứng tích và biểu hiện vô cùng sinh động về lý tưởng cống hiến cho đất nước của cả một thế hệ; tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu đất nước, luôn vững tin vào ngày mai chiến thắng. Cuốn sách phản ánh sâu sắc lý tưởng cao đẹp của thanh niên Việt Nam thời chiến, là cơ hội để thế hệ trẻ hôm nay được tiếp xúc với những biểu hiện cụ thể và xác thực nhất của lý tưởng đã trở thành một thứ niềm tin của cha ông, thể hiện sự trân trọng của thế hệ hôm nay đối với tình yêu của những người chiến sĩ ra trận”.

Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Hoài Anh chia sẻ, đây là một cuốn sách tâm huyết, chứa đựng những tư liệu quý giá, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Việt Nam, của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, giải phóng đất nước.

Là người miệt mài dành gần 20 năm sưu tầm những lá thư, nhật ký thời chiến, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết, hầu hết tác giả của những kỷ vật ấy đến nay đã không còn. Thời kỳ kháng chiến, nhiều bộ đội không có ảnh trước khi ra chiến trường, nên khi họ hy sinh, gia đình đều lấy thư tay gửi về để lên bàn thờ và xem đó là di vật thiêng liêng. Cũng theo ông, giá trị lớn nhất của cuốn sách là tính chân thực, khách quan, mang đậm hơi thở của hiện thực ngày đó. Bởi thư là một thể loại riêng tư, tác giả viết mà không hề biết sau này sẽ xuất bản thành sách, chỉ bộc lộ những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ từ đáy lòng mình.

Một thế hệ hào hoa ra trận

Lật giở những lá thư qua hơn nửa thế kỷ mà bản gốc đã ố vàng, nhòe chữ, độc giả được hòa mình vào những năm tháng oanh liệt, hào hùng của dân tộc; chứng kiến một thế hệ hào hoa, tràn đầy lý tưởng và trách nhiệm trong từng ký ức, từng câu chuyện, từng cảm xúc… Người đọc thấy một tinh thần hào sảng của giải phóng quân Lương Nam Tiến trong thư gửi gia đình: “Chúng con ra đi là nghĩa vụ của những thanh niên trong thời đại chống Mỹ. Vì chúng con muốn Tổ quốc được tự do và độc lập. Mà đâu chỉ có mình con ra đi, còn có hàng vạn người chung mục đích như chúng con vậy”.

Tương tự, thư gửi người thương của chiến sĩ Đoàn Đình Khái viết: “Hạnh phúc của chúng ta đâu chỉ ngày hôm nay và sự hy sinh của chúng ta đâu chỉ đem lại hạnh phúc cho riêng mình. Cái vĩ đại, cái đẹp đẽ của mỗi con người là ở chỗ biết vứt bỏ cái nhỏ bé, tầm thường, xa rời sự quyến rũ, biết sống và chiến đấu không phải cho mình mà là cho tất cả nhân loại”.

Thư của chiến sĩ Nguyễn Văn Thân gửi vợ đầy lạc quan: “Có lẽ chiến tranh đã tạo nên cho con người ở đây sự kỳ diệu của cuộc sống. Họ không sợ hãi cái chết mà coi đó nhẹ tựa lông hồng, đời họ vẫn ca hát, vẫn xây nhà…”.

Bạn đọc đã biết đến cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, thì gặp lại ở đây lá thư bác sĩ gửi cho gia đình: “Biết bao lần trong giấc mơ, con trở về trong vòng tay êm ấm của mẹ của ba, trong tiếng cười trong trẻo của các em, và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội. Ai đó có thể vì tiền tài danh vọng mà ra đi, nhưng với con, ngoài Đảng - chắc không ai khiến con xa nổi gia đình. Con vẫn là một cán bộ vững vàng trong cuộc chiến đấu này. Con đã trưởng thành trong gian khổ. Trước bom đạn con cũng vẫn cười...”.

Những lá thư từ chiến trường khốc liệt gửi về ấy đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị, trở thành bài học về lý tưởng và trách nhiệm với đất nước cho thế hệ hôm nay một cách tự nhiên mà thấm thía.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu nối về một “thời hoa lửa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.