Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm cao, giải pháp cụ thể: Thoát nghèo bền vững

Nguyên Hoa| 08/04/2014 06:46

(HNM) - Để người dân thoát nghèo bền vững cần có cách tiếp cận đi kèm các giải pháp hỗ trợ nhằm tránh cảnh tái nghèo hoặc nghèo đột xuất.

Bài cuối: Còn nhiều việc phải làm

(HNM) - Theo hướng dẫn về điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm của Bộ LĐ-TB&XH, việc xác định hộ nghèo chỉ dựa vào tiêu chí tài sản và thu nhập.


Tuy nhiên, trên thực tế người nghèo gặp nhiều khó khăn để vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững như không có tay nghề, không có khả năng chuyển đổi nghề, không vốn, không khả năng tiếp cận các dịch vụ công... Vì vậy, để người dân thoát nghèo bền vững cần có cách tiếp cận đi kèm các giải pháp hỗ trợ nhằm tránh cảnh tái nghèo hoặc nghèo đột xuất.

Kỹ năng nghề nghiệp là yếu tố then chốt để người nghèo có việc làm ổn định. Ảnh: Minh Hải


Vẫn còn nguy cơ tái nghèo

Gia đình bà Nghiêm Thị Mận ở thôn Thanh Lũng, xã Tiên Phong (Ba Vì) đang được lãnh đạo xã đưa vào diện hộ nghèo đột xuất. Lý do là gia đình có 4 khẩu nhưng chỉ có một người là lao động chính, đó là con gái bà - chị Nguyễn Thị Thơm, gần 40 tuổi. Bà Mận năm nay đã ngoài 80 tuổi, không còn sức lao động, hai đứa cháu ngoại của bà còn bé nhưng một đứa bị mắc bệnh động kinh. Cuộc sống của 4 người trong gia đình bà đã khó khăn lại càng khó khăn hơn mỗi khi phải đưa cháu đi viện. Cùng với gia đình bà Mận, năm 2013 xã Tiên Phong phát sinh thêm 13 hộ nghèo, lý do nghèo chủ yếu là do ốm đau, bệnh tật. Mở rộng ra toàn huyện Ba Vì, theo báo cáo trong năm 2012 cả huyện đã giảm 2.003 hộ nghèo nhưng thực tế đến cuối năm 2013 có tới 955 hộ nghèo phát sinh trong đó có 197 hộ thuộc diện tái nghèo.

Tình hình tại huyện Ba Vì cho thấy, nếu không có cách giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững thì nguy cơ xuất hiện hộ tái nghèo sẽ gia tăng. TP Hà Nội hiện đang áp dụng chuẩn nghèo cao hơn 1,4 đến 1,5 lần mức chuẩn nghèo của TƯ. Cụ thể, chuẩn nghèo khu vực thành thị là 750.000 đồng/ người/tháng (chuẩn của TƯ là 500.000 đồng/người/tháng) và khu vực nông thôn là 550.000 đồng/ người/tháng (chuẩn TƯ là 400.000 đồng/người/tháng). Đầu năm 2014, toàn thành phố còn 45.732 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 2,6%. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Số hộ nghèo chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm 92,1% tổng số hộ nghèo toàn thành phố. Những xã miền núi, cách xa trung tâm, công tác xóa đói giảm nghèo chịu nhiều ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn hơn.

Tốc độ giảm nghèo thời gian qua được đánh giá là nhanh một phần do tác động khách quan bởi yếu tố trượt giá cao, đẩy thu nhập của người nghèo tăng lên. Vì thế, dù các hộ thoát nghèo nhưng thực tế chất lượng cuộc sống chưa có nhiều chuyển biến, nguy cơ tái nghèo cao. Nếu không có chính sách tác động đến những hộ có thu nhập trung bình nhưng còn gặp nhiều khó khăn thì các hộ này vẫn có nguy cơ tái nghèo cao hoặc bị rơi vào diện hộ nghèo phát sinh mới.

Cần sự quan tâm đồng bộ

Ngoài chính sách chung của TƯ đối với hộ nghèo, TP Hà Nội đã ban hành một số chính sách có mức hỗ trợ cao hơn mức TƯ quy định như: Hỗ trợ trực tiếp người dân vùng dân tộc, miền núi 150.000 đồng/người dân khu vực II/năm và 200.000 đồng/người dân khu vực III/năm. Để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ có thu nhập ổn định, thành phố đã xây dựng 233 mô hình giảm nghèo với kinh phí gần 143,8 tỷ đồng, 110 mô hình khuyến nông, tập huấn, truyền nghề cho gần 4.000 lao động tại khu vực nông thôn với kinh phí gần 9 tỷ đồng… Cùng với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội TƯ, vốn của các ngành, đoàn thể địa phương, thành phố đã trích ngân sách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vay với lãi suất thấp. Hiện tổng số vốn ngân sách ủy thác là 204,3 tỷ đồng hỗ trợ không nhỏ cho hộ khó khăn vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm của thành phố, công tác giảm nghèo ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa nghiên cứu, phân tích sâu các nguyên nhân nghèo để đưa ra giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, hiệu quả. Công tác giảm nghèo đôi khi còn mang tính áp đặt chạy theo thành tích, chưa sát thực với cuộc sống của người dân. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận người nghèo trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu ý chí vươn lên. Cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã lại thường xuyên thay đổi, trình độ còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu, thực hiện tại cơ sở. Vì vậy số hộ tái nghèo hằng năm của thành phố được thống kê bằng 2% tổng số hộ nghèo.

Để giảm nghèo bền vững, hạn chế xuống mức thấp nhất số hộ tái nghèo, các cấp, các ngành cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ để người nghèo có thu nhập ổn định. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Bất cho biết: "Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tạo cơ hội để người nghèo, cận nghèo vươn lên thông qua các biện pháp: Hỗ trợ cho vay vốn gắn với tư vấn hướng dẫn sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề theo hướng chọn lọc các ngành nghề có hiệu quả, phù hợp với người nghèo; thúc đẩy hỗ trợ liên kết giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp thông qua hoạt động cung cấp nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm". Tuy nhiên, cùng với chủ trương trên, thành phố cần có thêm chính sách ưu đãi để khuyến khích đối với các doanh nghiệp tiếp nhận nhiều hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc. Việc trang bị nghề nghiệp và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn được xác định là yếu tố then chốt để người nghèo có việc làm ổn định và tránh để con em hộ nghèo rơi vào đói nghèo. Với hộ nghèo, nên áp dụng mức vay cao hơn mức áp dụng hiện hành (hiện nay là không quá 20 triệu đồng/hộ) bởi với mức vay này là chưa đủ để bà con phát triển sản xuất kinh doanh thoát nghèo. Bên cạnh đó, để giảm nghèo bền vững, biện pháp giảm nghèo cần được xây dựng cụ thể trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gia đình và có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

Để làm được như vậy, vai trò của chính quyền, các đoàn thể chính trị ở cơ sở hết sức quan trọng mang tính quyết định, vì chỉ có địa phương mới nắm vững được hoàn cảnh và tìm ra giải pháp phù hợp hỗ trợ, động viên hộ nghèo vươn lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm cao, giải pháp cụ thể: Thoát nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.