Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết ngăn thực phẩm ''ba không'' vào trường học

Thống Nhất| 06/11/2020 06:17

(HNM) - Là một trong số các đơn vị có quy mô học sinh lớn, tỷ lệ học sinh ăn bán trú tại trường hằng ngày cao, năm học 2020-2021, quận Đống Đa xác định công tác bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú cho học sinh quan trọng song song với nhiệm vụ dạy học. Cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, tăng cường kiểm tra, giám sát, quyết ngăn thực phẩm “ba không” vào trường học là giải pháp đang được triển khai quyết liệt.

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội về an toàn thực phẩm kiểm tra một bếp ăn trường học tại quận Đống Đa.

100% trường học cam kết không để xảy ra ngộ độc

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Đống Đa, năm học 2020-2021, trên địa bàn quận Đống Đa có 86 trường học và 101 nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tổng số bếp ăn bán trú trong trường học là 172. Trong số này, có 150 đơn vị tự nấu bữa ăn bán trú cho học sinh, số còn lại thuê nhà thầu. Các bếp ăn này đều tập trung ở hai cấp mầm non và tiểu học; các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Đống Đa không tổ chức bán trú cho học sinh nên không có bếp ăn.

Đề cập đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú cho học sinh tại các trường học trên địa bàn, ông Tạ Ngọc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa cho biết: UBND quận Đống Đa đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm, bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường. Trước khi các nhà trường bước vào năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa đã triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tới tất cả các trường học với yêu cầu 100% các trường phải tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan, cam kết không để xảy ra hiện tượng mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm trong nhà trường. Kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo cho thấy, 100% các trường đều thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan, đáng chú ý là các đơn vị đều xây dựng quy trình giám sát, xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn bán trú.

Xác định việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú với các trường tiểu học không phải là nhiệm vụ như đối với các trường mầm non, nhưng là phần việc mà các nhà trường đã thỏa thuận và đứng ra nhận trách nhiệm với phụ huynh học sinh, giúp các bậc phụ huynh yên tâm công tác, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dạy học, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã phối hợp với Phòng Y tế quận hướng dẫn các nhà trường hoàn thành thủ tục ký “Bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2020”; thường xuyên giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các nhà trường, kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh.

Ngăn chặn thực phẩm “ba không”

Phát huy kết quả đạt được, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục quận Đống Đa quyết tâm tổ chức tốt bữa ăn bán trú cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để đạt mục tiêu này, các nhà trường đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn thực phẩm “ba không”: Không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng.

Một trong những giải pháp được kiên trì triển khai là việc tổ chức hội nghị ký cam kết về bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa với các nhà trường. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng cho hay: Việc tổ chức ký cam kết không chỉ tăng cường ý thức, trách nhiệm của các nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn bán trú, mà còn khẳng định sự quyết tâm, tạo sự tin tưởng đối với phụ huynh học sinh trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh. Ngoài ra, Phòng cũng yêu cầu các nhà trường lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm có đủ năng lực, uy tín, tư cách pháp nhân, tổ chức ký kết hợp đồng chặt chẽ với các điều khoản rõ ràng, trong đó xác định rõ trách nhiệm giữa các bên nếu để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Là đơn vị có số lượng học sinh ăn bán trú nhiều nhất trên địa bàn quận Đống Đa, với gần 2.900 học sinh, Trường Tiểu học Kim Liên xác định đây là phần việc nặng nề, đòi hỏi sự chung sức của cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên cho biết: Dù trường đã được xây dựng từ lâu, nhiều hạng mục xuống cấp, song nhà trường luôn ưu tiên đầu tư cho công tác bán trú, trong đó có việc xây dựng bếp ăn một chiều, trang bị đầy đủ dụng cụ chế biến bảo đảm an toàn và hợp vệ sinh. Nhà trường coi trọng khâu giao - nhận thực phẩm hằng ngày để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các thực phẩm có nguy cơ không an toàn đối với học sinh như thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng.

Trong khi đó, bà Trần Thị Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Liên cho biết: Hằng ngày nhà trường thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 800 trẻ. Nhà trường đã thành lập tổ tự giám sát bếp ăn bán trú, có sự tham gia của cha mẹ học sinh; có sổ theo dõi việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn bán trú hằng ngày. Việc tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về quy trình giao - nhận, cách thức kiểm tra như kiểm tra nguồn gốc, mã hàng, lô sản xuất, lưu kho... được coi trọng nhằm phát hiện ngay các nguy cơ mất an toàn cho trẻ ngay từ khâu đầu tiên khi thực phẩm vào trường.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng thông tin: Phòng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các nhà trường; tham mưu UBND quận bố trí kinh phí đầu tư, cải tạo các hạng mục có liên quan đến công tác an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết ngăn thực phẩm ''ba không'' vào trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.