Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Hoàng Văn| 21/11/2016 06:14

(HNM) - Những năm 1998-2001, Việt Nam có nhiều nông sản xuất khẩu nổi tiếng trên thị trường bị đối tác nước ngoài “ăn cắp” thương hiệu như: Kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc...


Tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11-2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn chục năm thực hiện, Chương trình mới chỉ tập trung ở cấp độ tuyên truyền, nhận diện nhãn hiệu trong nước. Có chăng, chỉ là cấp cho một số doanh nghiệp trong nước thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cấp vùng, cấp địa phương, mang tính chất đơn lẻ, mà chưa đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản hoặc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm ở thị trường nước ngoài.

Hậu quả là nông sản của Việt Nam mất vị thế trên thị trường quốc tế, khiến hơn 80% sản lượng xuất khẩu dưới dạng thô và phải “mượn” thương hiệu nước ngoài. Thậm chí, sản phẩm của ta bị lép vế ngay trên sân nhà và bị doanh nghiệp nước ngoài ép giá dẫn đến lợi nhuận thấp, ngân sách nhà nước thất thu, đặc biệt có nguy cơ trở thành công xưởng sản xuất thuê, làm giàu cho doanh nghiệp nước ngoài.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân. Trước hết, do chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, manh mún từ trong cách làm thương hiệu, cách quản lý, sản xuất nông sản. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thấy rõ được vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu trên thị trường; thậm chí chưa nhận thức đầy đủ về thương hiệu dẫn đến thiếu chiến lược, thiếu sự đầu tư chuyên sâu cũng như thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian dài, việc tìm kiếm, khai thác thị trường cho nông sản trong nước bị bỏ ngỏ, lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, trong khi đó Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu hàng hóa và tham gia vào chuỗi phân phối trên thị trường xuất khẩu...

Để khắc phục những hạn chế này, trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng chủ lực, có thế mạnh để tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu. Trong đó, các mặt hàng được lựa chọn phải đáp ứng các yếu tố như: Sản xuất trên quy mô lớn, có mức độ cơ giới hóa cao, có khối lượng và giá trị tiêu thụ lớn, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Ở phạm vi quốc gia, có thể lựa chọn các mặt hàng tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và có mong muốn phát triển thành thương hiệu quốc gia.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách bảo vệ và duy trì thương hiệu cho nông sản Việt ở thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm phải gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, để bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, nước ta sẽ sớm có được thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông sản, đồng thời từng bước lấy lại vị thế cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt thực hiện các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.