(HNM) - Ở nước ta hiện có 70% dân số làm nông nghiệp, 80% dân số sống ở nông thôn, vì vậy thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong bối cảnh hiện nay luôn có vị trí chiến lược, là cơ sở xây dựng, phát triển xã hội bền vững.
Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống thiết thực hơn, đạt hiệu quả cao hơn, cần nâng cao nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân; điều chỉnh lại cơ chế, chính sách đầu tư giữa các vùng miền; quan tâm đến công tác quy hoạch nông thôn mới...
Đưa điện về các vùng nông thôn. Ảnh: Ngọc Hà
Nông nghiệp, nông thôn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Bộ NN&PTNT cho biết, trong 3 năm (2008-2011) triển khai thực hiện Nghị quyết 26, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, góp phần ổn định KT-XH đất nước. Tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp tăng qua các năm cả về năng suất, sản lượng và giá trị: Năm 2008 đạt 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%; sản lượng lúa năm 2011 dự kiến đạt hơn 41 triệu tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản từ đầu năm 2011 đến nay đạt hơn 16 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 9,45%, hộ nghèo nông thôn còn 11,3%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên 83%. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn 3 năm qua đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, tổng năng lực tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng; đã mở mới, nâng cấp hàng chục nghìn kilômét đường giao thông nông thôn; nâng số xã được sử dụng điện lưới lên 97,8% và số hộ được sử dụng điện lưới đạt 95,4%; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa... Kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển mạnh với hơn 135 nghìn trang trại. Kinh tế hợp tác có chuyển biến tích cực, mỗi năm có gần 4.000 tổ hợp tác mới ra đời. Chương trình xây dựng nông thôn mới thí điểm tại 11 xã đại diện cho các vùng, miền trong cả nước đạt được những kết quả tốt, bước đầu hình thành "hình hài" nông thôn mới.
Vẫn chưa đồng bộ, quyết liệt
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 26 ở cơ sở đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, việc thực hiện nghị quyết chưa đồng bộ, quyết liệt, kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu, chậm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện. Việc triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách đã ban hành chưa thực sự quyết liệt, còn lúng túng, chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc do thiếu nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực tương ứng, thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy được tăng cao hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, tốc độ giải ngân đề án dạy nghề cho nông dân rất chậm và thấp nhất trong các chương trình ngân sách đang bố trí vốn.
Một vấn đề khác cũng được nhiều người dân và các cấp chính quyền khu vực nông thôn quan tâm là khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng tăng. Nhìn nhận ở khía cạnh này, ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, khu vực miền núi chiếm đến 3/4 diện tích cả nước với khoảng 12 triệu đồng bào dân tộc, tiềm năng còn rất lớn nhưng chưa khai thác hết vì kết cấu hạ tầng KT-XH yếu kém, dân trí chưa cao, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo lớn nhất cả nước. Theo ông Hùng, khi triển khai nghị quyết cần xét đến cơ chế đặc thù cho từng vùng. Khu vực miền núi, dân tộc thiểu số không thể như đồng bằng, thành phố.
Tạo bước đột phá đầu tư hạ tầng
Từ nay đến năm 2015, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu nâng thu nhập của nông dân tăng 1,8 đến 2 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 20%. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, khu vực nông nghiệp, nông thôn đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng, phát triển nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng góp phần tăng cao giá trị sản xuất. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ để tạo điều kiện thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nông thôn kiểu mới... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, để Nghị quyết 26 thực sự đi vào cuộc sống cần huy động sức mạnh tổng lực để triển khai các chương trình, đề án, trong đó xác định rõ nguồn lực Nhà nước là chủ đạo nhằm tạo cú hích phát triển thực chất; quy hoạch đất đai, hạ tầng nông thôn cần gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo đảm chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng vùng, miền; đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong 5 năm tới phải tạo bước đột phá, bảo đảm nguồn vốn đầu tư giai đoạn tới tăng gấp 2 lần... Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành ban hành 14 chương trình, đề án còn thiếu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26, đồng thời bổ sung, sửa đổi những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.