(HNM) - Ngày 22-3, Bộ Y tế đưa ra chủ trương quyết liệt giảm tải bệnh viện thông qua đề án bệnh viện vệ tinh và cải tiến quy trình khám chữa bệnh.
Sau một năm vất vả giảm tải, cả nước đã có thêm hơn 7.000 giường bệnh, tính theo số giường bệnh thực kê thì bình quân cả nước đã có trên 24 giường bệnh/vạn dân, tăng so với đầu năm 2012 (20,5 giường/vạn dân). Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ này ở Việt Nam đang đứng thứ 99 trên hơn 140 nước tham gia xếp hạng. Trên thế giới, đã có những quốc gia có tới 140 giường/vạn dân.
Ngành y tế đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Ảnh: Thái Hiền |
Số giường bệnh có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, nên tốc độ giảm tải BV năm 2012 vừa qua, theo đánh giá của Bộ Y tế là chậm. Tại các BV tuyến trung ương, công suất sử dụng giường bệnh ở mức xấp xỉ 120%. Quá tải, nên những vấn nạn như đưa "phong bì" cho nhân viên y tế để được khám sớm, khám kỹ, nạn cò BV, người bệnh phải chờ đợi quá lâu… vẫn còn rất nhức nhối. Đến mức, như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu, "Người nhà bệnh nhân cứ đưa tiền cho thầy thuốc để được ưu tiên, nhưng đưa rồi… lại đi kể"!
Mặc dù đã có thêm hơn 7.000 giường bệnh trên phạm vi toàn quốc nhưng tác động của sự tăng đối với việc chống quá tải còn hạn chế, đơn giản là bởi các BV tuyến trung ương - những nơi chịu cảnh quá tải nặng nề nhất trong năm 2012 chỉ có thêm khoảng 1.500 giường. Điều kiện về cơ sở vật chất, đất đai hiện tại cũng khó để BV mở rộng quy mô. Vì vậy, năm 2012, Bộ Y tế đã xây dựng đề án BV vệ tinh và phê duyệt ngày 11-3 vừa qua. Theo đó, trước mắt, giai đoạn từ năm 2013-2015, một số nơi như BV Bạch Mai, Việt Đức, Nhi TƯ, TƯ Huế, Nhi Đồng 1, Chợ Rẫy là hạt nhân; mỗi BV hạt nhân sẽ có những BV vệ tinh của mình. Nhiệm vụ của BV hạt nhân là chuyển giao gói kỹ thuật, làm sao để BV vệ tinh thực hiện thành thạo các kỹ thuật và duy trì việc triển khai tại địa phương. Mục tiêu của đề án: Trước mắt sẽ giảm tối thiểu 15% lượng chuyển tuyến từ BV vệ tinh về BV hạt nhân. Từ 2016, đề án sẽ tiếp tục mở rộng để đến năm 2020 cơ bản không còn tình trạng quá tải BV.
Rõ ràng, có thể coi việc phát triển hệ thống BV vệ tinh là một giải pháp giảm tải đáng chú ý. Tuy nhiên, việc hình thành nên hệ thống này cần phải được thực hiện cùng một loạt giải pháp khác, như nâng cao chất lượng KCB, nâng cao y đức, trình độ của đội ngũ y bác sĩ nói chung… Nếu điều kiện KCB ở các BV vệ tinh không bảo đảm ở một mức nào đó, có sự chênh lệch quá lớn so với BV hạt nhân thì "liều thuốc BV vệ tinh" sẽ mất tác dụng.
Cải tiến quy trình khám chữa bệnh
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, quy trình khám bệnh tại BV hiện có 12 bước. Nhưng theo quy trình đang được Bộ Y tế xây dựng thì khám bệnh lâm sàng chuyên khoa và đa khoa chỉ còn 4 bước, khám lâm sàng có xét nghiệm tăng lên thành 6 bước. Các trường hợp cần chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, quy trình khám bệnh sẽ tăng lên thành 7-8 bước. Để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, quy trình này đặt khâu thu viện phí vào phần cuối, tức trước khi lĩnh đơn thuốc, nhằm tránh quá tải ở đầu vào.
Nhiều giám đốc BV thừa nhận việc đặt khâu thu phí vào phần cuối sẽ dẫn đến tâm lý lo ngại thất thu, do khó thu phí của những trường hợp nghèo, người bệnh có ý trốn viện… Tuy nhiên, đại diện các BV cũng thừa nhận quy trình hiện hành (quy định tạm ứng phí KCB từ trước khi người bệnh được khám và làm dịch vụ) đang bị phản ứng rất nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đây đã nói nâng chất lượng dịch vụ, nhưng toàn nói chung chung, không rõ nâng ở đâu, cần làm gì, tiền ở đâu để làm… "Cải tiến chất lượng dịch vụ cần dựa trên các yếu tố: Con người, cơ chế tài chính, quy tắc ứng xử, cơ sở vật chất… Không có con người thì không thể cải tiến chất lượng được".
Được biết, song song với những yêu cầu nêu trên, Bộ Y tế sẽ trình đề xuất tăng lương khởi điểm và ưu đãi theo thâm niên cho cán bộ y tế như với những gì mà cán bộ ngành giáo dục đang được hưởng. Tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho cán bộ y tế là giải pháp quan trọng để cán bộ ngành y toàn tâm toàn ý hơn với việc cứu người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.