Những sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng,đất đai ngày càng tinh vi * Vẫn còn tình trạng né tránh xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị
Một vấn đề cần lưu ý là trong thời gian qua, hành vi tham nhũng, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát lại bộc lộ nhiều yếu kém. Quá trình xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phải tuân theo quy định của pháp luật nên thường chậm, trong một số vụ việc lúc khởi tố thì "to như con voi", sau xử lý "bé như con chuột" khiến người dân hoài nghi về sự kiên quyết, nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN)…
Dự kiến trong năm 2012, BCĐTƯPCTN sẽ thành lập 3 đoàn công tác giám sát liên ngành kiểm tra ở những lĩnh vực nhạy cảm như tài chính ngân hàng, đất đai, khoáng sản.
Ảnh: Đàm Duy
Phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót trong quản lý kinh tế
Theo Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN (BCĐTƯPCTN), công tác PCTN thời gian qua có những chuyển biến tích cực; các giải pháp phòng ngừa như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức (CBCC) tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Trong quý I, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về quản lý kinh tế với số tiền 32.744 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1.584 tỷ đồng; loại khỏi quyết toán 10 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính của 147/151 cuộc kiểm toán đã phát hành báo cáo với các khoản tăng thu là trên 2.500 tỷ đồng; các khoản giảm chi là hơn 2.280 tỷ đồng.
Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, trong quý I, đã khởi tố 55 vụ với 104 bị can (so với cùng kỳ năm 2011 tăng 12,24% về số vụ và 8,33% về số bị can); truy tố 67 vụ/163 bị can về các tội danh tham nhũng (tăng 34% về số vụ và 71,57% về số bị can).
Bên cạnh những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và khó khăn trong công tác này được BCĐTƯPCTN thẳng thắn nhận định là tiến độ truy tố, xét xử án tham nhũng còn chậm. Có những vụ việc để kéo dài đến mấy nhiệm kỳ nên không bảo đảm yêu cầu, tiến độ điều tra, xử lý. Mà án tham nhũng càng để kéo dài, càng sớm thành "đầu voi, đuôi chuột". Trên thực tế, đã có những vụ được thay đổi tội danh theo hướng ít nghiêm trọng hơn, chuyển biện pháp ngăn chặn nhẹ nhàng hơn.
Còn nhiều kẽ hở
Các hành vi tham nhũng ẩn chứa trong những vụ án kinh tế nổi lên thời gian qua là "chùm án" về ngân hàng, tín dụng, lừa đảo "sổ đỏ". Trong tổng số gần 30 vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng TƯ điều tra, đến nay vẫn còn 8 vụ khó khăn khi xử lý. Vướng mắc chủ yếu là do công tác giám định tài chính, chất lượng công trình và kết luận điều tra chưa đạt… nên phải trả đi trả lại. Sâu xa hơn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình lo ngại: "Không loại trừ việc trả đi trả lại hồ sơ là có lồng động cơ khác hay có sự tranh chấp "quyền anh quyền tôi" giữa các cơ quan tiến hành tố tụng".
Đáng lưu ý, tại một số địa phương có nhiều vụ việc tham nhũng, không có trường hợp nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng. Tình hình trên một phần là do có sự nể nang, né tránh khi xử lý, cùng với những quy định về phân cấp quản lý cán bộ hiện nay còn có chỗ chưa rõ ràng, lại thiếu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Không ít vụ án, khi bị phát hiện dấu hiệu tham nhũng, cơ quan quản lý lập tức làm thủ tục cho thôi việc đối với những cá nhân bị nghi ngờ có liên quan và coi như hết trách nhiệm.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng sau thanh tra cũng gặp nhiều vướng mắc, dù cho Văn phòng BCĐ có đốc thúc thực hiện thì các chủ thể phải chấp hành vẫn cứ "ỳ" ra mà không làm gì được. Bất cập này một phần do văn phòng BCĐ gần như không có quyền gì, chỉ có chức năng nghiên cứu, phối hợp chứ không trực tiếp kiểm tra. Do đó, dù qua quá trình theo dõi tiến trình xử lý sai phạm, kết luận của BCĐ đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ việc nhưng ít có khả năng quyết định cuối cùng, việc khắc phục hậu quả thường nửa vời. Khoản thu hồi thường tỷ lệ nghịch với số tiền sai phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, lĩnh vực đầu tư.
Theo Bộ Công an, từ ngày 1-5 tới, lương cơ bản tăng lên 1.050.000 đồng, phụ cấp công vụ tăng lên 25% nhưng mới chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu tối thiểu của CBCC, khiến công tác PCTN đã phức tạp càng thêm khó. BCĐTƯ PCTN kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ cần bảo đảm cho CBCC có mức thu nhập hợp lý để "không cần tham nhũng". Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Luật PCTN được ban hành trước khi có Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) và trước khi phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Do đó, có những chủ trương, giải pháp PCTN mới, thiết thực đã được đề ra trong nghị quyết của Đảng nhưng chưa được thể chế hóa. Trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng. Đây là những kẽ hở cần sớm có biện pháp tháo gỡ. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, cần thành lập cơ quan giám định đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mang tính chuyên môn cao như ngân hàng, tài chính… mới "đẩy" nhanh được tiến trình giải quyết án tham nhũng, giảm sức nóng của dư luận trước tình trạng xử lý chậm chạp các vụ án tham nhũng.
Trưởng BCĐTƯPCTN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Trong quý II, yêu cầu đặt ra là phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung PCTN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay". Đồng thời, xử lý kết luận thanh tra "đến nơi đến chốn"; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN; đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn tồn đọng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.