Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền yêu cầu giám định của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh| 24/03/2014 07:22

Tôi là nguyên đơn trong một vụ án dân sự. Tôi đã gửi văn bản đề nghị thẩm phán trưng cầu giám định nhưng bị từ chối. Nay tôi có thể tự mình yêu cầu một tổ chức giám định tư pháp tiến hành giám định được không? Nếu có, thì phải thực hiện theo những trình tự, thủ tục gì? Nguyễn Văn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội)

Tôi là nguyên đơn trong một vụ án dân sự. Tôi đã gửi văn bản đề nghị thẩm phán trưng cầu giám định nhưng bị từ chối. Nay tôi có thể tự mình yêu cầu một tổ chức giám định tư pháp tiến hành giám định được không? Nếu có, thì phải thực hiện theo những trình tự, thủ tục gì?
Nguyễn Văn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời:


- Theo Khoản 3, Điều 2, Luật Giám định tư pháp 2012: Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 22, Luật Giám định tư pháp 2012, quy định: Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Như vậy, bạn đọc là nguyên đơn trong một vụ án dân sự nên có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.

Căn cứ quy định tại Điều 26, Luật Giám định tư pháp 2012, người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau: Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; Nội dung yêu cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng giám định; Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyền yêu cầu giám định của nguyên đơn trong vụ án dân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.