(HNM) - Quyền lợi của lao động (LĐ) nữ luôn là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi thực tế, dù đã có những chính sách bảo đảm quyền lợi, ưu tiên cho họ nhưng tại nhiều doanh nghiệp (DN) vấn đề này vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ...
Lao động nữ cần được quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng để yên tâm sản xuất.Ảnh: Thái Hiền. |
Rõ quy định...
Nhằm bảo vệ, chăm sóc cho LĐ nữ, Nghị định 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-10-2015 đã có những quy định về chính sách đối với LĐ nữ, hướng dẫn chi tiết hơn cho các quyền và lợi ích nêu ra trong Chương X của Bộ luật Lao động 2012, đồng thời bổ sung những điểm mới liên quan đến quyền lợi của LĐ nữ tại DN.
Cụ thể, DN phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định; thực hiện các giải pháp để LĐ nữ có việc làm thường xuyên, chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của LĐ nữ. Khi khám sức khỏe định kỳ, LĐ nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Trong thời gian “đến tháng”, LĐ nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày trong tháng, thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương. Thời gian nuôi con dưới 12 tháng, LĐ nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để vắt sữa, trữ sữa. LĐ nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng LĐ. DN phải xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho LĐ nữ bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức hỗ trợ do hai bên thỏa thuận.
Ngoài trách nhiệm của DN, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai việc tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều LĐ nữ.
...nhưng lao động nữ vẫn gặp khó khăn
Luật LĐ đã có những quy định chi tiết, cụ thể, nhưng trong thực tế, việc thực hiện luật còn nhiều hạn chế. Thống kê của Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam cho thấy, hầu hết số LĐ được hưởng chế độ nghỉ ngơi dưỡng sức rất ít; chế độ thai sản như nghỉ 60 phút cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi… ít được thực hiện. Vấn đề xây nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho LĐ nữ luôn được đề cập tại nhiều hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố với công nhân KCN Bắc Thăng Long Nội Bài.
Các kiến nghị đều tập trung vào việc xây nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, siêu thị, nhà văn hóa công nhân để người LĐ yên tâm làm việc.
Trong khi đó, theo Ban Quản lý các KCN - chế xuất Hà Nội, thành phố có 9 KCN - chế xuất công nghệ cao với hơn 111.000 LĐ, trong đó LĐ nữ là 79.000 người, chiếm hơn 60%. Đa phần trong số đó là LĐ nữ nhập cư nên phải đối mặt với những khó khăn như phải thuê nhà trọ, chịu chi phí đắt đỏ từ tiền điện, nước, ăn uống, giáo dục, y tế… thiếu thốn về văn hóa tinh thần, thiếu chỗ gửi trẻ, điều kiện an toàn vệ sinh không được bảo đảm.
Khảo sát của Chương trình Better Work Việt Nam cũng chỉ ra, có tới 79,7% DN không đáp ứng các yêu cầu của luật trong nhóm vấn đề nghỉ có hưởng lương như chi trả nghỉ lễ, nghỉ phép năm, nghỉ chăm con dưới 12 tháng tuổi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.