(HNM) - Chính sách đối với lao động nữ đã được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Bình đẳng giới… nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập và chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Việc dạy nghề và tạo việc làm, nhất là đối với lao động nữ luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngay tại phần mở đầu của Bộ luật Lao động, phần quy định chung đã không cho phép các chủ doanh nghiệp đối xử bất bình đẳng giữa lao động nữ với lao động nam. Trong nhiều trường hợp cụ thể, Luật Lao động và những văn bản dưới luật đã có những hướng dẫn cụ thể nhằm bảo vệ quyền làm việc của phụ nữ và bảo vệ phụ nữ khỏi những công việc nặng nhọc trong các thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ. Trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được hưởng chính sách ưu đãi trong việc vay vốn với lãi suất thấp từ Quỹ quốc gia về việc làm; được hỗ trợ kinh phí từ quỹ này; được ưu tiên sử dụng vốn đầu tư hằng năm để cải thiện điều kiện làm việc, được giảm thuế… Nhưng thực tế hiện nay, việc thực thi Luật Lao động ở nhiều doanh nghiệp rất tùy tiện, đặc biệt là trong bố trí công việc, giờ giải lao và làm thêm giờ… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng lao động nữ hoặc khi tiếp nhận lao động nữ đã ép lao động nữ viết cam kết không sinh con trong 2-3 năm đầu. Điều này vô hình trung đã tước đi quyền có việc làm của người lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.
Ở Việt Nam có gần 60% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản đã và đang tham gia vào lực lượng lao động, do đó bảo đảm quyền có việc làm và bảo vệ sức khỏe cho các bà mẹ tại nơi làm việc là rất quan trọng vì nó góp phần bảo đảm về an toàn sức khỏe, về kinh tế và cả con của họ - lực lượng lao động tương lai của đất nước. Nếu các ưu tiên với lao động nữ không được thực hiện sẽ là rào cản không chỉ đối với cơ hội tìm kiếm việc làm của lực lượng lao động này. Lý giải về việc khó khăn trong tiếp nhận lao động nữ, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong cơ chế kinh tế thị trường, việc sinh nở của lao động nữ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó theo quy định, những đơn vị sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế, ưu đãi về vốn vay… nhưng thực tế hầu hết doanh nghiệp không tiếp cận được với những chính sách này. Vì vậy, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình trong cơ chế thị trường đầy khắc nghiệt như hiện nay.
Nói về vấn đề này, bà Đỗ Thị Yên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Để giải quyết "gánh nặng tiềm ẩn cho chủ sử dụng lao động và giảm tối đa nguy cơ gây nên tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ", cần phải có một chính sách tổng thể và thực thi một cách nghiêm túc. Lấy ví dụ việc miễn giảm thuế, nên quy định được tính trên số lao động nữ có ký kết hợp đồng lao động, có tham gia bảo hiểm xã hội để tính tỷ lệ phần trăm giảm thuế. Tương tự cũng có thể tính theo tỷ lệ lao động nữ để áp dụng chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Nhiều chuyên gia về lao động cho rằng, nếu không thực hiện được nghiêm các chính sách dành cho lao động nữ, chuyện chối bỏ quyền của lao động nữ sẽ không chỉ còn là hiện tượng như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.