Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vài năm trở lại đây, quy mô đào tạo đại học chính quy, thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng tăng.
Vài năm gần đây, để bảo đảm chất lượng đào tạo, thu hút người học, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tập trung phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao. Các nhà trường đều có chính sách ưu tiên tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng giảng viên có trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đạt 33,5%.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, tình hình đăng ký xét tuyển vào đại học những năm gần đây đang có chiều hướng tích cực, từ đó nâng cao cơ hội học tập, nâng cao trình độ dân trí nói chung và góp phần tăng cường tiếp cận đối với giáo dục đại học cho nhiều người học. Năm 2024, quy mô đào tạo đại học chính quy có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023, trong đó có sự gia tăng đáng kể của các lĩnh vực như toán và thống kê; máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; kỹ thuật; sản xuất và chế biến; kiến trúc và xây dựng; nông, lâm và thủy sản; thú y. Điều này cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng tăng đều ở tất cả các khối ngành so với năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất là ở khối ngành đào tạo giáo viên (tăng trên 3.300 học viên, tương ứng tăng 34,79% so với năm 2023). Ngoài ra, còn có khối ngành kinh doanh và quản lý; pháp luật (tăng hơn 3.200 học viên, tương ứng với tăng 10,48% so với năm 2023)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.