(HNM) - Việc tiếp tục nghiên cứu quy hoạch và triển khai bến xe khách này thể hiện tính nhất quán, thống nhất và đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch...
Phối cảnh Bến xe khách Yên Sở. |
Nhất quán, đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch
Ngay khi chủ trương nghiên cứu đầu tư Bến xe khách Yên Sở được công khai, đã có một số ý kiến lo ngại việc đầu tư bến xe khách liên tỉnh ngay đường Vành đai 3 là chưa hợp lý, thiếu tầm nhìn. Các ý kiến này cho rằng: Vị trí được lựa chọn để quy hoạch, xây dựng Bến xe khách Yên Sở chỉ cách nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 khoảng 1km, cách Bến xe Nước Ngầm hơn 1km. Trong khi đó, nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 đang là điểm nghẽn giao thông của Hà Nội. Ngoài ra, theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực Vành đai 4, nhưng nay lại xây thêm Bến xe khách Yên Sở khu vực nội đô. Kế hoạch này sẽ gây lãng phí vì bến xe chỉ hoạt động vài năm lại di chuyển đi nơi khác (!?).
Trước những luồng ý kiến trên, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội khẳng định, Bến xe khách Yên Sở đã được xác định trong đồ án Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg năm 2016. Theo đó bến xe khách này được định hướng là bến xe khách trung hạn (dự kiến thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2016-2020), đồng thời quy hoạch này cũng đã được xác định trong đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 có vị trí nằm ở phía Nam đường Vành đai 3 gần khu vực Yên Sở, với quy mô bến xe khoảng 3,2ha.
Tại đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Sở GT-VT và Viện Quy hoạch Hà Nội lập thì Bến xe khách Yên Sở tiếp tục được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn (với chức năng hỗ trợ, giảm tải cho 3 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm). Trong giai đoạn trước mắt, sau khi đầu tư xong Bến xe khách Yên Sở và Bến xe khách Cổ Bi sẽ tổ chức nghiên cứu điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại Bến xe Giáp Bát về hai bến xe này nhằm giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1A (Bến xe Giáp Bát sẽ chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe).
Về lâu dài đối với khu vực phía Nam, sau khi đầu tư hoàn thành bến xe khách chính phía Nam (Khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4) thì Bến xe khách Yên Sở và Bến xe khách Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe (các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại hai bến xe khách này sẽ được điều chuyển về bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam). Như vậy, việc tiếp tục quy hoạch Bến xe khách Yên Sở (bến xe khách liên tỉnh trung hạn) thể hiện tính nhất quán, thống nhất và đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch.
Sẽ là bến xe khách hiện đại nhất cả nước
Đại diện Công ty cổ phần Bến xe Thanh Trì (đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa) cho biết, Bến xe khách Yên Sở nằm trên địa bàn phường Yên Sở (quận Hoàng Mai). Theo thiết kế, Bến xe khách Yên Sở sẽ có 4 tầng (3 nổi, 1 hầm). Trong đó tầng hầm rộng khoảng 5.000m2 được dùng làm gara trông giữ xe cho hành khách. Trung tâm bến được thiết kế một tòa nhà hình tròn, gồm 3 tầng, diện tích 2.000m2. Trong đó, tầng 1 là nơi bán vé và khu trưng bày, tầng 2 kinh doanh đồ ăn nhanh.
Cũng theo đại diện Công ty cổ phần Bến xe Thanh Trì, đây sẽ là bến xe khách hiện đại nhất cả nước; khép kín từ khu vực đón khách, trả khách, xe "xếp nốt" cho đến khu vực bán vé. Hành khách sẽ không đi lại, ra vào khu vực đỗ xe. Sau khi mua vé ở tầng 1, hành khách vào phòng chờ, hoặc có thể tham quan, ăn uống, mua sắm. Khi đến giờ xe chạy, nhà xe sẽ xếp tại cửa chờ (45 cửa ra) để hành khách lên xe nhằm hạn chế tình trạng cò mồi, chèo kéo khách... Khu vực trả khách sẽ được tách biệt, hành khách sau khi xuống xe sẽ đi dọc theo đường hầm, đến nơi lấy phương tiện gửi tại đây, hoặc theo đường hầm để đến khu vực đón xe buýt, đi về trung tâm thành phố...
Trái với những lo ngại về sự bất hợp lý của dự án này, chuyên gia giao thông Lê Đỗ Mười lại cho rằng, theo Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội sẽ xây dựng bến xe khách chính phía Nam tại khu vực Ngọc Hồi - đường Vành đai 4. Tuy nhiên, hiện nay đường Vành đai 4 còn chưa được đầu tư khép kín thì việc triển khai bến xe khách chính phía Nam gần như không khả thi trong giai đoạn sắp tới. Dự kiến, với tốc độ hiện nay, để khép kín đường Vành đai 4 Hà Nội có lẽ phải tới giai đoạn năm 2030 - 2045. Do vậy, việc xây dựng Bến xe khách Yên Sở là bước đi đúng đắn và cấp thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.