Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hướng tới phát triển nhanh, bền vững

Hồng Sơn| 19/07/2022 13:41

(HNMO) - Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh quốc gia để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đó là nội dung chính của Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19-7, tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19-7.

Sau quá trình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và trên cơ sở các nội dung của Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo Báo cáo hiện đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, với định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo phương án 1, GDP bình quân sẽ đạt 7.000 USD/người năm 2030, 25.000 USD/người vào năm 2050. Phương án 2 thì các mức tương ứng sẽ là 7.500 USD/người và 32.000 USD/người.

Việt Nam tập trung mở cửa, tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại. Đáng lưu ý là, dự kiến hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia có 42 cửa khẩu quốc tế, 47 cửa khẩu chính và 56 cửa khẩu phụ (tăng 1,7 lần so với năm 2021). Tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia có 60 cửa khẩu quốc tế, 70 cửa khẩu chính và 64 cửa khẩu phụ (tăng gấp 2,2 lần so với năm 2021 và gấp 1,3 lần so với năm 2030).

"Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia (bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời) một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả”, ông Trần Quốc Phương nói.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Trần Hồng Quang, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch có tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao, đồng thời bao quát nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch.

Vì vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia đầy đủ, sâu sắc của các ngành, lĩnh vực cũng như tham góp ý kiến của chuyên gia bên cạnh việc chủ động đúc rút kinh nghiệm, bài học quốc tế trong suốt quá trình triển khai lập quy hoạch. Quy hoạch phải đáp ứng một số yêu cầu, mục tiêu quan trọng như: Xác định, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực tổng hợp của từng vùng và cả quốc gia; tổ chức phát triển kinh tế theo không gian vùng và liên kết vùng; dự báo tình hình, tận dụng cơ hội để tăng tốc phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng cũng như toàn lãnh thổ...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn chính là Viện Chiến lược phát triển phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn chuyên ngành lập hợp phần của các bộ, ngành để thực hiện việc tích hợp nội dung của các hợp phần vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đồng thời phát hiện, xử lý các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn, vấn đề chia cắt, xung đột nảy sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hướng tới phát triển nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.