Sáng 29-5, thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đại biểu Quốc hội cho rằng, còn tình trạng lãng phí trong sử dụng tài sản công, dịch vụ công trực tuyến, quản lý đất đai… Vì thế, cần có giải pháp khắc phục.
Đánh giá cao kết quả đạt được song đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế cần nhìn nhận một cách thấu đáo, đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục.
Đại biểu cho biết, công tác xây dựng, ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 còn chậm, chưa bảo đảm theo thời gian quy định. Một số dự án luật chưa bảo đảm chất lượng; một số dự án luật, pháp lệnh chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; còn một số văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và có 7 văn bản chưa bảo đảm tính khả thi, đồng bộ.
Đại biểu cũng nêu tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; cơ chế, chính sách để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm.
Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng...
Chất lượng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.
Trên cơ sở các hạn chế nêu trên, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và các hạn chế nêu trên sẽ không là rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) bày tỏ đồng tình với nhận định của đại biểu Trịnh Minh Bình về thực trạng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra… Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, đây là thực trạng diễn ra trên toàn quốc, cũng là điểm nghẽn cần có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Cùng quan tâm đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, thủ tục hành chính tuy được cắt giảm nhưng một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chất lượng của dịch vụ công trực tuyến hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế.
Để phát triển dịch vụ công trực tuyến bảo đảm người dân sử dụng thuận tiện, dễ dàng, để không lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị trong nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, bổ sung nhiệm vụ rà soát để cải thiện, nâng cấp các cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện, dễ sử dụng với người dân, hạ tầng kết nối đồng bộ, thông suốt với Cổng dịch vụ công quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.