Đại biểu Quốc hội cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống, cần được điều chỉnh kịp thời.
Sáng 29-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên họp.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) bày tỏ lo ngại khi gần đây diễn ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vụ việc liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm hình sự, gây bất an trong xã hội.
Đại biểu cho rằng, những vụ cháy nhà trọ vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy và quản lý nhà nước có liên quan. Nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn; ý thức tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân cũng chưa cao...
“Ở đây có trách nhiệm bảo vệ người dân của các cấp chính quyền, từ công tác quản lý đô thị, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, kinh doanh nhà trọ…”, đại biểu nói.
Một vấn đề liên quan đến đời sống người dân, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống.
Đại biểu cho biết, theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%...
Theo đại biểu, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng chưa phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (70%). Theo khảo sát của các chuyên gia trường Đại học Kinh tế quốc dân, đối với những quốc gia thu nhập cao, chi cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chỉ chiếm 30%-40%. Do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu thiết yếu của người dân.
“Hơn nữa, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời (dự kiến từ 1-7, thực hiện chính sách cải cách tiền lương) sẽ khiến người lao động âu lo. Bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng. Vì vậy, việc không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương”, đại biểu nói.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10-2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.