(HNM) - Quyết định điều chỉnh địa giới hành chính là bước ngoặt quan trọng để xây dựng và phát triển Thủ đô lên tầm cao mới...
Quy hoạch không gian, cấu trúc đô thị
Với vai trò định hướng phát triển, Hà Nội đã tạo được nhiều kết quả đồng bộ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch chuyên ngành: Xây dựng, đất đai, văn hóa, giáo dục, nhà ở, giao thông vận tải, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn... Đáng quan tâm là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 được xem là sự kiện lớn, là đột phá trong định hướng mục tiêu xây dựng "Thủ đô Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững".
Sau 7 năm quy hoạch chung được duyệt, thực hiện Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, Hà Nội đã triển khai gần 150 đồ án quy hoạch xây dựng, gồm: Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch các khu đặc thù, thiết kế đô thị... Đến nay, cơ bản đã hoàn thành hệ thống quy hoạch xây dựng, phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên, là căn cứ để triển khai các dự án xây dựng, tạo lập tầm nhìn về diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh, hiện đại. Cùng với các đồ án quy hoạch, thành phố cũng ban hành nhiều quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố, các khu đặc thù (phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm, làng nghề truyền thống Bát Tràng...), quy định quản lý các công trình kiến trúc cao tầng...
Trong quy hoạch chung đã duyệt, định hướng về cấu trúc mô hình Hà Nội là đột phá rất cần quan tâm, xác định Hà Nội phát triển không gian theo mô hình chùm đô thị gồm: Đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn được kết nối với nhau bằng hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm. Đô thị trung tâm gắn kết với các đô thị vệ tinh bởi các hành lang xanh, vành đai xanh.
Với Hà Nội, mô hình chùm đô thị có đặc thù riêng, không chỉ hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm mà còn tương đối độc lập về chức năng. Đô thị Hòa Lạc là trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo, khu công nghệ cao tầm vóc quốc gia. Đô thị Sóc Sơn phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, sinh thái, nghỉ dưỡng, trung tâm y tế, đại học. Đô thị Phú Xuyên có chức năng phát triển công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, hỗ trợ, phát triển nông nghiệp. Đô thị vệ tinh Sơn Tây có chức năng văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, dịch vụ đào tạo, y tế. Đô thị vệ tinh Xuân Mai có chức năng dịch vụ - công nghiệp, hỗ trợ các làng nghề, khu tiểu thủ công nghiệp... Các đô thị vệ tinh phát triển theo định hướng quy hoạch sẽ tạo được quỹ đất xây dựng khoảng 35.200ha (chiếm 35% của toàn thành phố đến năm 2030) và dân số khoảng 1,3-1,4 triệu người (chiếm 16% dân số toàn thành phố đến năm 2030).
Ngoài 5 đô thị vệ tinh còn phải kể đến các thị trấn sinh thái như: Phùng, Tây Đằng, Vân Đình, Thường Tín, Kim Bài, Chúc Sơn... là các khu đô thị mới động lực phát triển cho các huyện, khu vực ngoại thành, góp phần bảo vệ môi trường, tạo lập các khu sinh thái hấp dẫn, phù hợp với cơ cấu dân số Hà Nội.
10 năm qua, kết quả triển khai mô hình cấu trúc nêu trên chỉ là kết quả bước đầu rất cần sớm hoàn thành đồng bộ hệ thống quy hoạch, được áp dụng các cơ chế đặc thù kêu gọi đầu tư, giải phóng mặt bằng và quyết tâm triển khai mạnh hơn. Sớm thực hiện mô hình chùm đô thị sẽ là giải pháp gốc rễ để phát triển Hà Nội phù hợp với chức năng Thủ đô, là tiền đề quản lý hiệu quả dân số, để giảm áp lực về hạ tầng kỹ thuật, về gia tăng dân số, về môi trường cho nội đô.
Xây dựng không gian kiến trúc và các khu đô thị mới
Trong thời gian qua, quy hoạch xây dựng không gian kiến trúc đã có nhiều đổi mới cả về lượng và chất và tạo lập được đặc thù về kiến trúc. Sau mở rộng, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản đô thị với gần 6.000 di tích, gần 1.800 di sản phi vật thể ở các cấp độ từ quốc tế đến quốc gia, thành phố. Đây thực sự là quỹ di sản phong phú cần nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị.
Đặc biệt, khối lượng xây dựng, nhất là nhà ở đã có nhiều đột phá. Trước khi điều chỉnh địa giới hành chính, mỗi năm thành phố chỉ xây dựng 1-2 triệu mét vuông thì năm 2017 đã đạt tới 11 triệu mét vuông nhà ở, gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và do người dân tự xây. Các công trình kiến trúc cao tầng là đột phá rõ nét với vật liệu xây dựng mới, giải pháp kỹ thuật mới, hình thức kiến trúc mới, tạo nên điểm nhấn như: Trụ sở VNPT, Ngân hàng BIDV, tòa nhà Keangnam 72 tầng, trụ sở EVN, tòa nhà Lotte Center 65 tầng...
Một số công trình cao tầng có hình thức kiến trúc thích hợp, kết hợp truyền thống với hiện đại như Bảo tàng Hà Nội, tòa Nhà Quốc hội và nổi trội là đã tiếp thu các xu thế kiến trúc toàn cầu như kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh... mà đại diện là tòa nhà 40 tầng Number One trên đại lộ Thăng Long của Tổng công ty Viglacera, công trình Dolphin Plaza nhà ở cao tầng...
Nhìn lại 10 năm qua kiến trúc Hà Nội đã có nhiều đổi mới nhưng cũng bộc lộ một số yếu kém về năng lực hành nghề, lúng túng về phương hướng sáng tác của một số kiến trúc sư và nhất là năng lực quản lý kiến trúc. Hà Nội đã có nhiều văn bản pháp quy về quản lý quy hoạch - kiến trúc như quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc chung thành phố, quy chế quản lý công trình kiến trúc cao tầng khu nội đô lịch sử, quy chế quản lý một số khu đặc thù song còn thiếu quy chuẩn đặc thù. Đây là các căn cứ pháp lý rất cần được hoàn thiện và tuân thủ trong tổ chức thực hiện để quản lý quyết liệt, hiệu quả hơn.
Mở rộng địa giới, Hà Nội đã có hơn 350 đồ án quy hoạch khu đô thị mới. Việc phát triển các khu đô thị mới đã cơ bản làm thay đổi diện mạo đô thị, hiện đại về không gian và tạo lập chất lượng sống cao như: Times City, Royal City, Đặng Xá, Gamuda City... Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là cần rà soát lại quy hoạch các khu đô thị mới để xác định trọng tâm, tránh xây dựng dàn trải; tạo lập sự bình đẳng cho mọi người dân có mức độ thu nhập khác nhau, nhất là với các đối tượng của nhà ở xã hội. Việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch đã duyệt cần có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư để tránh gia tăng dân số và khó khăn cho sử dụng hạ tầng kỹ thuật, cho không gian xanh công cộng.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.