(HNMO) - Đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-4 tại quận Hai Bà Trưng đề xuất tổ chức các trung tâm công cộng lớn nằm trên đường Vành đai 1, Vành đai 2; nghiên cứu tổ chức không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất... Quỹ đất di dời cơ sở sản xuất, giáo dục được ưu tiên phát triển công trình công cộng, cây xanh.
Ưu tiên quỹ đất xây dựng công trình công cộng
Theo quyết định phê duyệt, quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 661,48ha; quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 157.000 người.
Đất công cộng đô thị khoảng 30,85ha (chiếm 4,67%, đạt chỉ tiêu khoảng 1,98m2/người), gồm các chức năng: Thương mại, dịch vụ, văn phòng, tài chính, y tế, bảo tàng... được tổ chức thành các trung tâm để phục vụ nhu cầu chung của thành phố. Đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao khoảng 86,14ha (chiếm 13,03%, đạt chỉ tiêu 5,51m2/người). Đất giao thông đô thị khoảng 102,37ha (chiếm 15,48%, đạt chỉ tiêu 6,55m2/người). Trong đó, khuyến khích xây dựng bãi đỗ xe ngầm và đỗ xe cao tầng.
Đối với đất trường học, nhà trẻ, do điều kiện quỹ đất hạn chế, vì vậy có thể nghiên cứu tăng tầng cao công trình so với quy định. Các tầng tăng thêm sử dụng cho mục đích quản lý hành chính, phụ trợ và các công năng phù hợp khác, không bố trí lớp học...
Các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn được từng bước di dời ra khỏi khu vực nội thành. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật..., không sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Các trường đại học, cao đẳng được cho phép giữ lại phải cải tạo, nâng cấp chất lượng, giảm quy mô đào tạo để bảo đảm tiêu chí đạt từ 20m2/sinh viên trở lên.
Các bệnh viện được phép giữ lại phải tổ chức di dời các cơ sở, khoa, phòng khám bệnh gây ô nhiễm ra cơ sở 2 và từng bước chuyển đổi thành các cơ sở nghiên cứu - khám, chữa bệnh chất lượng cao với yêu cầu: Không gia tăng giường bệnh, bảo đảm chỉ tiêu tối thiểu 60m2/giường.
Nghiên cứu mô hình đô thị nén
Đối với nhóm nhà ở mới, quy hoạch xác định nghiên cứu bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, kết nối hài hòa với khu vực ở hiện hữu. Nhà ở xây dựng mới được phát triển theo hướng đa dạng về loại hình nhà ở (chung cư, liền kề, biệt thự, nhà vườn...) phù hợp với đặc trưng phát triển đô thị tại từng khu vực.
Đối với các khu chung cư cũ: Bách Khoa, Thanh Nhàn, Quỳnh Mai..., quy mô dân số, chức năng sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc sẽ được xác định theo dự án riêng. Nguyên tắc là giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình, ưu tiên bổ sung hệ thống hạ tầng đô thị, công trình công cộng, không gian xanh...
Đối với khu chung cư cũ kề cận ga đường sắt đô thị (trong bán kính 500m), nghiên cứu tổ chức không gian đô thị theo mô hình đô thị nén, ngoài các khu nhà chung cư phục vụ nhu cầu khu vực, khuyến khích xây dựng thêm các công trình có chức năng: Văn phòng, dịch vụ, thương mại, trung tâm tài chính... nhằm hỗ trợ, khai thác hiệu quả theo mô hình TOD (quy hoạch gắn với định hướng giao thông).
Đối với các nhà ở chung cư cũ riêng lẻ nằm xen cài trong các khu dân cư hiện có, khi cải tạo xây dựng lại có thể nghiên cứu theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, tăng tầng cao, nhưng cần bảo đảm không tăng dân số...
Tổ chức tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất
Tổ chức không gian - kiến trúc cảnh quan, đô thị phát triển theo hình thái tự nhiên, dựa vào cảnh quan hiện có. Khai thác tối đa yếu tố cây xanh các tuyến phố khu vực công viên tập trung lớn: Công viên Thống Nhất, Tuổi trẻ Thủ đô... Liên kết hệ thống công viên thành phố, lõi xanh trong các khu tái thiết, khu ở, đơn vị ở tạo nên đô thị mang tính chất đô thị xanh, có môi trường sống tốt kết nối với không gian sông Hồng.
Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, các khu vực tái thiết đô thị... tạo điểm nhấn kiến trúc. Các không gian thấp tầng chủ yếu tập trung tại phía Bắc đường Vành đai 1 và một số khu dân cư làng xóm hiện có.
Các trung tâm công cộng lớn nằm trên đường Vành đai 1, Vành đai 2 tạo thành chuỗi hệ thống trung tâm công cộng liên kết theo hướng tâm vào các phân khu nội đô lịch sử cũng như theo vành đai liên kết với các phân khu nội đô mở rộng. Hệ thống công cộng thành phố được tổ chức với các công trình có không gian lớn, cao tầng kết hợp với các quảng trường tạo nên những điểm nhấn đô thị, gắn kết với mô hình TOD tại các khu vực xung quanh nhà ga đường sắt đô thị.
Về khung cấu trúc đô thị, khu vực khu phố cũ (nằm phía Bắc) có tầng cao đặc trưng 4-6 tầng, cao 16-22m. Khu vực hạn chế phát triển (khu vực còn lại) tầng cao đặc trưng 5-7 tầng (cao 22-25m)...
Ngoài ra, cho phép xây dựng công trình cao tối đa 8 tầng (cao 30m) tại khu đất có chiều rộng từ 7m trở lên, chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 16m trở lên và nằm tiếp giáp các tuyến đường có mặt cắt ngang từ 13m trở lên.
Đồ án cũng đề xuất nghiên cứu không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại khu vực xung quanh hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất. Các khu vực cần kiểm soát là khu phố cũ, các không gian công viên cây xanh, thể dục thể thao gắn với mặt nước, hồ điều hòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.