Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô: Vướng chuyện “con gà quả trứng”​​​​​​​

Quyên Hương - Ảnh: Viết Thành| 05/12/2019 10:43

(HNMO) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, diễn ra sáng nay (5-12), các đại biểu dành nhiều câu hỏi cho Giám đốc các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… về các vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn thành phố. Nhiều quy hoạch cho thấy còn nhiều bất cập và vướng mắc.

Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô: Vướng chuyện “con gà quả trứng”

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Nguyên Quân về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chi tiết các đô thị vệ tinh chưa được lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Trúc Anh cho biết, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh, trong đó đô thị Hoà Lạc là lớn nhất, được xếp hạng đô thị loại 1.

Trong 5 đô thị này, hiện chỉ có Hoà Lạc đã lập xong quy hoạch, được Bộ Xây dựng chấp thuận đủ điều kiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cố gắng trong tháng 12 này sẽ được thông qua. Hai đô thị Sơn Tây, Sóc Sơn hiện đang được giao cho một số tập đoàn nghiên cứu ý tưởng, sau khi hoàn thành sẽ giao lại cho Viện quy hoạch xây dựng lập dự án. Trong quý I-2020, thành phố sẽ báo cáo về đô thị Sóc Sơn. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên và Xuân Mai với 6 đồ án phân khu đang được xây dựng đồ án để phê duyệt.

Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh.

Thừa nhận việc lập quy hoạch còn chậm, bất cập, ông Nguyễn Trúc Anh cho rằng có một phần lỗi tư vấn từ Sở QH-KT, Viện Kiến trúc; công tác lựa chọn tư vấn…

“Hiện nay, công tác tư vấn gần như không đáp ứng được yêu cầu. Khi thị xã Sơn Tây lập quy hoạch phân khu 6 phường, hồ sơ gửi lên Sở QH-KT nhưng chúng tôi không thể thẩm định được. Quá trình tổ chức lập quy hoạch không đạt yêu cầu là lỗi của cả Viện Kiến trúc, Sở QH-KT và thị xã Sơn Tây. Riêng phía Sở, chúng tôi nhận lỗi vì đã hướng dẫn 3-4 lần nhưng địa phương vẫn không thể thực hiện được. Có nhiều văn bản hướng dẫn phải người chuyên môn sâu mới hiểu, điều này gây khó cho những người thực hiện. Tới đây, chúng tôi sẽ khắc phục, bảo đảm việc hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn”, Giám đốc Sở QH-KT thẳng thắn nhận lỗi. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Việt Anh về việc lập quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống và các quy hoạch phân khu H1 còn chậm, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng đã được lập từ 3 năm nay nhưng vẫn gặp khó khăn vì phải tuân theo Luật Đê điều. Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình là hành lang pháp lý rõ ràng về vấn đề này. Theo quyết định này, Sở QH-KT đã rà soát, thực hiện đủ các bước nhưng vẫn vướng vì Bộ NN&PTNT đang quản lý các công trình ngoài đê. Hà Nội đang xin ý kiến Bộ về vấn đề này.

Về quy hoạch phân khu H1 gồm các khu vực thuộc 4 quận nội đô, theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, các quy hoạch phân khu phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

"Với 4 quận nội thành này, có một vấn đề vướng mà không thể phê duyệt được là câu chuyện “con gà quả trứng”: Điều kiện Bộ Xây dựng đưa ra là phải phê duyệt được quy chuẩn địa phương của 4 quận nội thành, nhưng quy chuẩn này ra điều kiện là không được thấp hơn quy chuẩn quốc gia”, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã đồng ý gộp 4 quận nội đô trong quy hoạch phân khu.

Đại biểu Hoàng Thuý Hằng.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Hoàng Thuý Hằng về quy hoạch kiến trúc chi tiết hai bên các tuyến đường trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trúc Anh cho hay, việc quy hoạch hai bên đường phụ thuộc vào quỹ đất. Hiện nay, theo quy định, quy hoạch tuyến đường là sẽ lấy mỗi bên đường 20m để nghiên cứu, nhưng thực tế, có tuyến đường không thực hiện được do mật độ đô thị đã ổn định. Bởi vậy, Sở QH-KT sẽ lập quy hoạch chi tiết đối với những tuyến đường cần thiết, còn ở những khu đã có đông người dân sinh sống thì sẽ chuyển sang chỉnh trang đô thị.

Về những hạn chế trong công tác rà soát quy hoạch được đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, Hà Nội rà soát và phân loại theo định kỳ. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương hằng tháng phải báo cáo về rà soát quy hoạch, nhưng các quận, huyện mới chỉ báo cáo bằng văn bản, việc cập nhật dữ liệu còn nhiều bất cập, cần cải cách.

“Chúng ta có các báo cáo nhưng chưa có sự đồng bộ để giúp việc quản lý tốt hơn. Sắp tới, Sở sẽ báo cáo thành phố để thống nhất cách thức báo cáo, phục vụ rà soát quy hoạch”, ông Nguyễn Trúc Anh cho hay.

Điều chỉnh quy hoạch tại những huyện sắp lên quận cho phù hợp

Nhiều đại biểu quan tâm đến công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn tại 5 huyện (Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng) đang thực hiện đề án xây dựng thành quận còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất trong triển khai để phù hợp với yêu cầu quản lý khi thành quận và các xã thành phường. Các đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND các huyện trên cho biết nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, giải pháp của địa phương cũng như giải pháp tổng thể của Sở QH-KT.

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, là một trong 5 huyện được xác định thành quận vào 2025, huyện đã xác định nhiệm vụ điều chỉnh từ quy hoạch nông thôn sang quy hoạch đô thị. Với diện tích huyện 115 km2 thì 2/3 nằm trong quy hoạch phân khu là quy hoạch trở thành đô thị, còn 1/3 nằm ngoài quy hoạch đô thị (4 xã nằm nửa trong nửa ngoài quy hoạch đô thị, 5 xã nằm hoàn toàn ngoài đô thị). Huyện đã nhiều lần làm việc với Sở QH-KT đề nghị hướng dẫn, kiến nghị xem xét bỏ hoàn toàn quy hoạch nông thôn ở những vùng ngoài đô thị, để khi thành quận thì sẽ điều chỉnh toàn bộ khu vực này thành đô thị. 

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, Thường Tín có 29 xã, thị trấn nhưng hiện nay, 4 xã phía Bắc vành đai 4 đã vào quy hoạch trung tâm, hiện đang được rà soát để triển khai quy hoạch phân khu, còn 5 xã đang vào quy hoạch Phú Xuyên. Trong số 19 xã và 1 thị trấn còn lại, 19 xã đang hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, quy hoạch trung tâm xã và dân cư nông thôn mới. Huyện đang rà soát và đề nghị Sở QH-KT thẩm định và phê duyệt để tiến hành điều chỉnh trong thời gian tới.

Theo Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trúc Anh, trong số các huyện trên, những huyện nằm trong khu vực trung tâm thì đã có quy hoạch phân khu nên không cần phải có quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, các huyện Đan Phượng và Gia Lâm nằm giữa hai khu vực nội thành và ngoại thành lại là trường hợp chưa có tiền lệ. Đối với trường hợp này, nếu không điều chỉnh quy hoạch sẽ rất khó, nên bắt buộc phải điều chỉnh.

Chậm di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường khỏi nội đô

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Việt Cường đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn chậm. 

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trọng Đông.

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện nay, thành phố đã xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Sở TN-MT đã xây dựng danh mục các cơ sở cần xem xét di dời và báo cáo UBND thành phố. Thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát và sẽ báo cáo danh mục 100 cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Trọng Đông cũng cho biết thêm, khó khăn nhất của việc di dời các cơ sở này là do tâm lý doanh nghiệp ngại chuyển ra ngoại thành, các tỉnh khác, vì liên quan đến người lao động, địa điểm xa; hạn chế về năng lực tài chính của các đơn vị, phải có địa điểm mới và kinh phí đầu tư… Giám đốc Sở TM-MT đề xuất thời gian tới, cần bố trí xây dựng các địa điểm mới để các doanh nghiệp, cơ sở thuận tiện hơn trong việc di dời.

Phát biểu kết luận phần chất vấn nhóm vấn đề trên, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, có 18 lượt đại biểu đặt câu hỏi (trong đó có 4 lượt tái chất vấn), 8 đồng chí trả lời (4 chủ tịch quận, huyện; 4 giám đốc sở).

Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá, các câu hỏi tập trung, phần trả lời rõ và thẳng thắn. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành rà soát các kế hoạch, hướng dẫn để phân loại và có giải pháp cho từng loại quy hoạch còn chậm, khó khăn để có giải pháp xử lý phù hợp; đưa ra giải pháp, phân công trách nhiệm, thời gian hoàn thành. 

Tăng cường quản lý nhà nước về công tác quy hoạch thông qua các quy định, quy chế quản lý; đặc biệt, với những văn bản quản lý nhà nước về chuyên môn, các cơ quan quản lý liên quan cần hướng dẫn rõ, cụ thể để khâu thực hiện được thuận lợi và người dân cũng dễ giám sát.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị rà soát lại các văn bản quy hoạch liên quan còn vướng mắc để báo cáo các bộ; chỉ đạo để có cơ chế đặc thù triển khai công tác quy hoạch; bố trí, rà soát nguồn lực trong lĩnh vực lập quy hoạch...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phân khu 4 quận nội đô: Vướng chuyện “con gà quả trứng”​​​​​​​

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.