Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch nghĩa trang Hà Nội đến năm 2030: Hướng tới nếp sống văn minh, hiện đại

Tuấn Lương| 31/12/2012 08:35

(HNM) - Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua là cơ sở pháp lý để các ngành liên quan triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nghĩa trang tập trung (NTTT), nhà tang lễ (NTL) trên địa bàn.

Nghĩa trang Vĩnh Hằng sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: Trung Kiên


Thiếu và quá tải

Quỹ đất xây dựng nghĩa trang của Hà Nội hiện chiếm 0,82% diện tích tự nhiên toàn TP với tổng diện tích 2.744ha. Trong đó có 6 NTTT, gồm: Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển và Sài Đồng, được xây dựng từ lâu và đều trong tình trạng quá tải. Riêng nghĩa trang Văn Điển đã dừng tiếp nhận hung táng từ ngày 15-7-2010. Nghĩa trang Yên Kỳ chỉ sử dụng cho cát táng, phần diện tích còn lại khai thác tối đa đến năm 2013. Nghĩa trang Vĩnh Hằng mới đưa vào sử dụng với diện tích đất dành cho an táng khoảng 8,3ha, cũng không thể khai thác lâu dài. Hà Nội còn có 3 nghĩa trang cấp huyện (tổng diện tích 13ha) và 2.336 nghĩa trang cấp xã (tổng diện tích khoảng 2.626ha). Điều đáng nói là hầu hết nghĩa trang cấp huyện, xã đều xây dựng không theo quy hoạch, hoặc hình thành tự phát, không bảo đảm khoảng cách cách ly với khu dân cư, không bảo đảm cảnh quan, môi trường.

Toàn TP hiện có 18 NTL, phân bố chủ yếu trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng ban phục vụ lễ tang Hà Nội, mới chỉ có NTL quốc gia ở số 5 Trần Thánh Tông do Bộ Quốc phòng xây dựng, NTL ở 125 Phùng Hưng và NTL Bệnh viện Thanh Nhàn do TP đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Còn lại nằm trong khuôn viên các bệnh viện phục vụ các trường hợp tử vong tồn tại nhiều bất cập. Mới đây đã khánh thành và đưa vào hoạt động NTL Thanh Trì với khả năng phục vụ 8 đám/ngày. TP cũng đang xây dựng thêm 2 NTL tại Đông Anh và Cầu Giấy, phấn đấu hoàn thành vào năm 2013.

Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, việc đầu tư xây dựng NTTT mới, mở rộng nghĩa trang hiện có và xây dựng thêm các NTL bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, vệ sinh môi trường là yêu cầu cấp bách và cấp thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm nên trong quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, TP và các sở, ngành, địa phương phải quyết tâm cao và có sự vào cuộc đồng bộ.

Mỗi huyện sẽ có một NTTT

Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn TP sẽ có 32 NTL. Sẽ mở rộng các NTTT Thanh Tước, Vĩnh Hằng, Yên Kỳ, xây dựng mới NTTT ở các khu vực. Cụ thể, khu vực phía bắc xây mới nghĩa trang thuộc huyện Đông Anh (diện tích khoảng 20ha), nghĩa trang Minh Phú - huyện Sóc Sơn (100ha); khu vực phía đông xây dựng nghĩa trang Trung Màu - huyện Gia Lâm (53ha); khu vực phía nam xây dựng nghĩa trang xã Chuyên Mỹ - huyện Phú Xuyên (21ha); khu vực phía tây xây dựng nghĩa trang tại xã Trần Phú - huyện Chương Mỹ (22ha) và nghĩa trang Mai Dịch 2 - huyện Thạch Thất (100ha). Các nghĩa trang hiện có đã hết khả năng khai thác sẽ từng bước đóng cửa.

Được biết, quan điểm của TP là quy hoạch nghĩa trang phải đáp ứng nhu cầu an táng trước mắt và lâu dài, đồng thời phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại. Đồng thời, phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và sử dụng hình thức an táng mới, văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. TP đề ra nguyên tắc mỗi huyện có một NTTT cấp huyện, những huyện đã có NTTT của TP trên địa bàn thì kết hợp làm NTTT của huyện. Mỗi xã có từ 1 đến 2 nghĩa trang tùy thuộc diện tích, địa giới hành chính và quy mô dân số theo quy hoạch nông thôn mới. Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn để thực hiện quy hoạch này vào khoảng gần 30.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2012-2020 là hơn 12.562 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 hơn 5.636 tỷ đồng; giai đoạn 2030-2050 là 11.517 tỷ đồng. Để có được nguồn vốn này, TP sẽ huy động tổng hợp từ các nguồn lực đầu tư như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại từ chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển và xem xét mở rộng các hình thức đầu tư khác.

Thừa nhận những khó khăn có thể phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án theo quy hoạch, nhất là sự băn khoăn, thậm chí phản đối của người dân các địa phương, lãnh đạo TP Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp như nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp; tuyên truyền, vận động sâu rộng tới đơn vị, cá nhân liên quan, nhất là nhân dân nơi dự kiến quy hoạch bố trí nghĩa trang, NTL để mọi người ủng hộ. Đồng thời công bố công khai quy hoạch, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; xây dựng các quy hoạch chi tiết hệ thống nghĩa trang, NTL tại quận, huyện, thị xã. Tổ chức tốt công tác GPMB, tái định cư đối với hộ dân trong vùng quy hoạch theo đúng quy định, tạo sự ổn định, không gây xáo trộn lớn về mặt xã hội ảnh hưởng tới đời sống, phù hợp với phong tục tập quán mỗi địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch nghĩa trang Hà Nội đến năm 2030: Hướng tới nếp sống văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.