Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch mạng lưới, tạo sản phẩm có giá trị

Thi Thi| 22/08/2014 06:36

(HNM) - Trước hết, hoạt động xuất bản trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện đúng định hướng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và thành phố. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh biến động dữ dội của đời sống xuất bản suốt 10 năm qua.


Hà Nội hiện có 1 nhà xuất bản (NXB) trực thuộc thành phố là Công ty TNHH MTV NXB Hà Nội (gọi tắt là NXB Hà Nội) nhưng lại là nơi tập trung 43 NXB của các cơ quan TƯ, địa phương khác cùng hơn 400 cơ sở in công nghiệp và 3 cơ sở phát hành sách do Nhà nước quản lý. Diện mạo này cho thấy những tính chất riêng, phức tạp của hoạt động xuất bản trên địa bàn thành phố chúng ta.

Trước hết, hoạt động xuất bản trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện đúng định hướng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và thành phố. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh biến động dữ dội của đời sống xuất bản suốt 10 năm qua. Đặc biệt là khi soi chiếu vào "định hướng phát triển" đã nêu trong Chỉ thị 42: "Hoạt động xuất bản là một hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân (…), nhưng đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh…".

Sách của các nhà xuất bản đẹp, đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Ảnh: Như Ý



Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo TƯ, sách hôm nay đẹp, đa dạng, phong phú hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Với 7-8 bản sách/đầu người/năm (so với con số 3,5 bản/người/năm trên cả nước), thì Hà Nội là một trong số ít địa phương có tỷ lệ sách bình quân đầu người cao. Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" do NXB Hà Nội làm chủ đầu tư, đến nay được coi là tủ sách quy mô nhất với những giá trị to lớn, lâu dài…

Tuy nhiên, Thành ủy cũng thẳng thắn đề cập tới hàng loạt hạn chế của hoạt động xuất bản trên địa bàn thành phố sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42. Trong đó, băn khoăn nhất là chưa có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất bản. Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ tư tưởng văn hóa nhưng NXB không được cấp đủ vốn; doanh nghiệp in và phát hành khó vay vốn hoặc vay với lãi suất cao… Công ty TNHH MTV Hà Nội, NXB duy nhất trực thuộc thành phố cho biết, tên gọi "công ty" trong mô hình NXB đã tạo ra những cản trở ngay trong cách nhìn nhận, áp dụng cơ chế chính sách đối với đơn vị…

Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến: Các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị 42, nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư nhiều mặt cho hoạt động xuất bản thành phố; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch xuất bản từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Thành phố cũng sẵn sàng tiếp thu và ủng hộ những sáng kiến nhằm tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, tình trạng sách lậu vẫn gia tăng một cách đáng lo ngại. Theo Phòng Bảo vệ An ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng, Công an TP Hà Nội thì với những máy phô tô "siêu tốc" hiện nay, chỉ trong 2-3 ngày sau khi sách thật ra đời, các đầu nậu có thể tung ra ngay lập tức 200-300 bản in lậu để kịp thời kiếm lợi. Mới đây, Báo Hànộimới cũng phản ánh tình trạng sách càng nổi tiếng càng bị in lậu, thậm chí một số nhà sách ngang nhiên bày bán những ấn phẩm in lậu đã có quyết định thu hồi.

Nói một cách công bằng, ngoài những tác động nêu trên, thì chính sự thiếu chủ động và năng lực cạnh tranh còn yếu của bản thân các đơn vị xuất bản cũng là một yếu tố chủ quan làm chậm tiến trình phát triển của hoạt động này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thái Hà Books nói: Chúng tôi hiện rất sợ "sách thật" vì hàng chục NXB đang bán giấy phép cho đối tác liên kết xuất bản những tác phẩm không có bản quyền…

Để khắc phục những hạn chế này, năm 2015, thành phố Hà Nội sẽ triển khai nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm của Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ bố trí quỹ đất và vốn cho hoạt động xuất bản, quy hoạch mạng lưới nhà sách, trung tâm sách, khu công nghiệp in… Ngành TT-TT Hà Nội cũng khẳng định sẽ tham mưu cho thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như phối hợp tổ chức đặt hàng các tác phẩm có giá trị; tăng cường hợp tác quốc tế với các hoạt động triển lãm, hội chợ sách; tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc với Ngày sách Việt Nam hằng năm ở Hà Nội; Hội sách vào Ngày Giải phóng Thủ đô và Phố sách dự kiến vào ngày cuối tuần…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch mạng lưới, tạo sản phẩm có giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.