UBND thành phố Hà Nội vừa công bố quy hoạch phát triển điện lực TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020.
Như vậy, cùng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô với mục tiêu đảm bảo đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Ảnh minh họa |
Lưới điện đang quá tải
Hệ thống lưới điện 220kV của thành phố được cấp từ 5 trạm 220kV với tổng công suất 2.375MVA và được hỗ trợ cấp điện từ các trạm 220kV Phố Nối công suất 375MVA, Vĩnh Phúc công suất 125MVA và Phủ Lý công suất 125MVA.
Ông Trần Đức Hùng, Giám đốc Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, trước năm 2009, nhìn chung hệ thống lưới điện 220kV được phát triển theo hướng hoàn chỉnh, tình trạng vận hành trong các trạm và mang tải các đường dây ở mức độ cho phép.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2009, nhiều trạm 220kV đã đầy và quá tải không đủ công suất dự phòng khi sự cố, ảnh hưởng lớn đến độ an toàn cung cấp điện.
Để chống quá tải cho các trạm 220kV, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư nâng công suất cho 3 trạm 220kV Chèm, Hà Đông, Mai Động, giải quyết tạm thời tình hình cấp điện không ổn định cho Hà Nội trong năm 2010-2011.
Tuy nhiên, độ tin cậy cung cấp của hệ thống lưới điện 220kV hiện chưa cao. Mặc dù các trạm 220kV đều được cấp điện từ hai đường dây nhưng bán kính cấp điện của các trạm dài, tiết diện đường dây lại chưa đủ lớn vì vậy khi sự cố một đường dây cũng có thể gây quá tải cho đường còn lại.
Mặt khác, các trạm 220kV cấp điện cho khu vực nội thành chưa được liên kết mạch vòng, khu vực trung tâm Thành phố chưa có trạm 220kV nên không giảm tải được cho các tuyến 110kV cấp điện cho nội đô.
Ngoài ra, các đường dây điện 220kV cấp điện cho khu vực tả và hữu ngạn sông Hồng cũng chưa có sự liên kết nên các nguồn cấp điện cho Hà Nội từ hai phía không hỗ trợ được nhau khi một phía nguồn bị thiếu.
Trong khi đó, hệ thống lưới điện truyền tải 110kV (cung cấp điện cho thành phố thông qua 34 trạm biến áp với tổng dung lượng 3.180MVA) gồm nhiều mạch vòng. Mỗi trạm được cấp điện ít nhất từ 2 đuờng dây, đa số là mạch kép nhưng hầu hết đều có tiết diện nhỏ. Phần lớn các tuyến đường dây 110kV đã ở tình trạng đầy tải nhất là khu vực trung tâm thành phố vì vậy khi có sự cố bất kỳ sẽ gây quá tải nặng phải sa thải phụ tải hoặc mất điện trên diện rộng.
Để chống quá tải cho đường dây, hầu hết các đường dây 110kV đều vận hành hở nên tổn thất lớn, độ tin cậy giảm. Hiện nay ngành điện đã thực hiện cải tạo nâng tiết diện, thay dây siêu nhiệt các tuyến dây 110kV sau các trạm 220kV mở rộng (Chèm, Hà Đông, Mai Động) nhằm khai thác hết công suất các trạm 220kV và góp phần cải thiện tình trạng quá tải các đường dây 110kV.
Lưới điện phải an toàn và tin cậy
Theo đó những mục tiêu mà quy hoạch phát triển lưới điện thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020 đề ra đặt mục tiêu kết cấu lưới điện được xây dựng theo hướng hiện đại, mỹ quan đô thị; yêu cầu đặc thù của Thủ đô; có sự gắn kết với quy hoạch phát triển điện lực của vùng và cả nước, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng của Thủ đô.
Để phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân GDP là 12-13%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 9%/năm trong giai đoạn 2016-2020, điện thương phẩm sẽ tăng từ 16,513 tỉ kWh giai đoạn 2011-2015 lên 27,753 tỉ kWh giai đoạn 2016 - 2020 và công suất tăng tương ứng từ 3.280MW lên 5.240MW
Theo quy hoạch được phê duyệt, lưới truyền tải 500, 220, 110kV được thiết kế với cấu trúc đa mạch vòng trong đó lưới 500kV là vòng ngoài, tiếp đến là vòng 220kV và các vòng 110kV.
Các trạm biến áp 500kV được xây dựng, cải tạo mở rộng với quy mô công suất 7-10 máy biến áp 1 pha công suất đến 300MVA trong đó có 1 máy dự phòng.
Đường dây 500kV sử dụng dây dẫn có tiết diện trên 330mm2, trong trường hợp truyền tải công suất lớn có thể tính toán dùng dây phân pha tiết diện lớn hơn (trên 400mm2); Cột đường dây 500kV sử dụng cột thép nhiều mạch để có thể kết hợp nhiều cấp điện áp.
Các trạm biến áp 220, 110kV cũng được thiết kế mang tải không lớn hơn 75% công suất định mức ở chế độ vận hành bình thường để có đủ dự phòng công suất khi xảy ra sự cố hoặc sửa chữa.
Trong khi đó, lưới trung áp sẽ thực hiện cải tạo lưới 6-10kV lên 22kV để tiêu chuẩn hóa vận hành lưới điện trung áp thành phố Hà Nội ở cấp điện áp 35-22kV.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu tới năm 2015 toàn thành phố đạt tỉ lệ 35-40%, riêng khu vực trung tâm đạt tỉ lệ 90-100% thực hiện ngầm hóa, đảm bảo mĩ quan đô thị.
Dự kiến xây dựng mới 2.635km đường dây hạ áp, lắp đặt thêm 1.346.530 công tơ...
Từ nay đến cuối năm, thành phố cũng sẽ ban hành qui định về quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020. Đây là cơ sở cho việc đầu tư, phát triển các dự án điện trên địa bàn đi vào nề nếp, bảo đảm cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội cũng như đời sống người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.