Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch hệ thống tượng đài: Không thể xem nhẹ hiệu quả kinh tế

Hà Hiền| 04/12/2014 06:07

(HNM) - Hà Nội cần có quy hoạch hệ thống tượng đài mang tầm chiến lược, khoa học và thực tiễn, song nội dung Quy hoạch cần phải mềm dẻo, linh hoạt để có thể hạn chế sự rắc rối, phức tạp nảy sinh trong quá trình triển khai.

Ý kiến của các nhà khoa học, quản lý về văn hóa, kiến trúc tại hội nghị góp ý cho dự thảo Quy hoạch diễn ra ngày 3-12 khẳng định: Hà Nội cần có quy hoạch hệ thống tượng đài mang tầm chiến lược, khoa học và thực tiễn, song nội dung Quy hoạch cần phải mềm dẻo, linh hoạt để có thể hạn chế sự rắc rối, phức tạp nảy sinh trong quá trình triển khai.

Tượng đài “Thành phố Vì hòa bình” nằm trong khuôn viên Công viên Hòa Bình (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Anh Tuấn


Phân bố chưa hợp lý

Sau quá trình điều tra, khảo sát, VIUP chỉ rõ, hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay phân bố chưa hợp lý. Đa số tượng đài (79%) tập trung ở các quận nội thành, trong khi đó 12 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lại chưa có tượng đài. Về vị trí, 50% số tượng đài được đặt tại các công viên, vườn hoa gần khu dân cư; 25% đặt tại các cơ quan, trong khi hàng nghìn di tích lịch sử vẫn vắng bóng tượng đài. "Lâu nay, Hà Nội mới chú trọng xây dựng tượng đài liên quan đến các lãnh tụ, danh nhân mà bỏ qua đề tài rất hấp dẫn là các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Ở các nước phát triển, tượng đài được coi là một chi tiết của không gian văn hóa công cộng, là biểu tượng văn hóa của khu vực đặt tượng đài. Vì thế, việc Hà Nội có quá ít tượng đài văn hóa là một lỗ hổng lớn", ông Vũ Chí Công, chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc, nghệ thuật trăn trở.

Với những tượng đài đang tồn tại, VIUP cũng chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn, tượng đài "Thành phố vì Hòa Bình" nằm ở phía nam công viên Hòa Bình (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chưa thực sự hấp dẫn công chúng do tỷ lệ bê tông hóa cao, thiếu cây tạo bóng mát. Tượng đài Indira Gandhi trong công viên Indira Gandhi (quận Ba Đình), tượng đài vua Quang Trung ở Gò Đống Đa (quận Đống Đa), tượng đài vua Lê đặt tại phía tây hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm)… bị che khuất tầm nhìn. Đáng nói hơn, không gian tượng đài Hoàng Văn Thụ (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai), tượng đài Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ) bị sử dụng để bán hàng rong, làm dịch vụ, nhìn vào rất mất mỹ quan...

Trước thực trạng này, dự thảo Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội sẽ có 69 tượng đài, trong đó 35 tượng đài sẽ được xây mới ở những địa điểm có không gian, cảnh quan đẹp, dễ nhìn, dễ quan sát, góp phần làm gia tăng giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô. Những tượng đài cũ chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh, bổ sung một số chi tiết, chuyển đổi vị trí hoặc cải tạo không gian, cảnh quan để hấp dẫn hơn. "Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 dựa trên quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội và các quy hoạch khác liên quan nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, chứ không làm theo ý kiến của một tổ chức, cá nhân nào cả", ông Trần Gia Lượng, Giám đốc Trung tâm kiến trúc quy hoạch Hà Nội thuộc VIUP khẳng định.

Cần có sự đánh giá khách quan

Tuy chưa có dự toán kinh phí cho việc điều chỉnh, xây dựng hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, song nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Quy hoạch cho rằng, Hà Nội không nên xem nhẹ vấn đề kinh tế khi triển khai các bước tiếp theo của Quy hoạch. Như ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nói: "Tôi rất tán thành Hà Nội phải có quy hoạch tượng đài, song bài học không thành công của dự thảo Quy hoạch tượng đài, quảng trường trong nội thành thành phố những năm trước vẫn còn đó. Tôi nghĩ rằng, mỗi địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội có một đặc thù khác nhau nên không thể tạo sự "công bằng" bằng cách mỗi đô thị vệ tinh, mỗi cửa ô phải có một tượng đài. Việc xác định xây dựng tượng đài như thế nào, bằng chất liệu gì, đặt ở đâu cho phù hợp đã khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu, bởi vậy chúng ta nên chú ý tới chất lượng và hiệu quả của tượng đài khi tiến hành xây dựng".

Tán đồng quan điểm trên, ông Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị, Hà Nội nên có sự đánh giá khách quan về hiệu quả của các công trình tượng đài đã đầu tư; nên nhận diện nhu cầu của người Hà Nội trong việc thưởng thức nghệ thuật hoành tráng. "Người Việt Nam chưa có thói quen hưởng thụ nghệ thuật hoành tráng ngoài đường phố, vì thế chúng ta không thể bắt chước nhiều nước Châu Âu. Với Hà Nội, nền tảng xây dựng quy hoạch tượng đài phải là văn hóa, vậy nên Quy hoạch phải có sự mềm mại, linh hoạt để có thể dễ dàng điều chỉnh khi xu hướng nhận thức và thẩm mỹ thay đổi", ông Hoàng Đạo Kính nhận định. Tương tự, ông Vũ Chí Công băn khoăn: "Kinh phí xây dựng hệ thống tượng đài từ nguồn ngân sách thì cũng là tiền của dân, nên chúng ta không thể không tính tới lợi ích kinh tế và xã hội. Tôi được biết, khi xây dựng tượng đài, nước Mỹ yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp một phần kinh phí để thắt chặt trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp đối với xã hội. Bằng cách này, Nhà nước được lợi mà doanh nghiệp cũng được lợi do tượng đài xây dựng xong thì giá cả hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trong khu vực được nhiều người biết đến hơn. Theo tính toán, nước Mỹ bỏ ra 1 đô la xây dựng tượng đài thì họ thu về được 59 đô la. Quan trọng hơn, những tượng đài đó trở thành biểu tượng công cộng của một thành phố, chuyển tải rõ mơ ước và nét sinh hoạt văn hóa đặc thù của cư dân địa phương".

Như vậy, việc xây dựng Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội là hết sức cần thiết, song các ngành chức năng cũng cần tính toán tới hiệu quả đầu tư để hệ thống tượng đài thực sự trở thành những công trình văn hóa có giá trị về mọi mặt.

Theo Quy hoạch phát triển văn hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, các tượng đài sẽ được ưu tiên đầu tư, gồm: Tượng đài An Dương Vương tại di tích Cổ Loa (Đông Anh); tượng đài danh nhân văn hóa tại khu vực Bảo tàng Hà Nội; tượng đài Độc Lập; tượng đài Chu Văn An tại huyện Thanh Trì; hệ thống tượng danh nhân văn hóa tại hồ Văn trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; 5 tượng đài danh nhân, mỹ thuật tại 5 đô thị vệ tinh và biểu tượng Hà Nội tại 5 cửa ô vào trung tâm thành phố.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch hệ thống tượng đài: Không thể xem nhẹ hiệu quả kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.