(HNM) - Nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&SVMT) là một yếu tố đánh giá chất lượng sống của người dân nông thôn. Được sự quan tâm của thành phố, việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh tại khu vực ngoại thành Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa được thụ hưởng thành quả này.
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng hàng nghìn công trình cấp nước lớn nhỏ và "giải cứu" 16 trạm cấp nước tập trung nằm "đắp chiếu" tại khu vực ngoại thành. Nhờ vậy, đến nay, 85,45% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 33,24% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 89,72% số trường học có nước hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh… Về vệ sinh môi trường nông thôn, đã có 75,99% số hộ dân có công trình xử lý chất thải hợp vệ sinh; có 355/424 xã thành lập tổ thu gom rác thải, trong đó 143 xã đã tổ chức chuyển rác đi xử lý, chôn lấp tại các bãi rác tập trung, chiếm tỷ lệ 40,28%...
Tuy đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng ở ngoại thành còn tới gần 2/3 dân số thiếu nước sạch, gần 15% dân số chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa. Nhiều nơi người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, chất lượng không bảo đảm. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, nguyên nhân thiếu nước là do tăng dân số cơ học, trong khi nhiều nơi không có trạm cấp nước phục vụ người dân hoặc có trạm cấp nước nhưng bị xuống cấp. Tương tự, việc quản lý nước thải sinh hoạt trong chăn nuôi, làng nghề... cũng đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ. Hầu hết chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi đều xả trực tiếp ra hệ thống cống rãnh, kênh mương nội đồng gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN&TPNT lập "Quy hoạch cấp NS&VSMT nông thôn Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý rác thải của thành phố. Mục tiêu đến năm 2020: 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 80% dân số nông thôn
sử dụng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế; 100% chợ có nước sạch… Tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo nói trên tổ chức ngày 27-2-2013, lãnh đạo một số sở, ngành của thành phố đều chung quan điểm, để hoàn thành mục tiêu quy hoạch, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về NS&VSMT với sức khỏe cộng đồng. Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, cần huy động nguồn lực của người dân, doanh nghiệp nhà nước cũng cần hỗ trợ người dân một phần kinh phí đầu tư xây dựng các công trình cấp NS&VSMT nông thôn qua các chương trình, dự án nhằm tạo mô hình điểm thu hút sự đầu tư của người dân. Với những vùng khó khăn, chưa có điều kiện xây dựng trạm cấp nước tập trung cần ứng dụng các công nghệ xử lý nước ngay tại hộ gia đình. Về lâu dài, cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung và công trình cấp nước liên xã nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa quản lý đầu tư.
Hà Nội hiện có 115 công trình cấp nước tập trung, 771.111/1.067.679 công trình giếng khoan, giếng đào, bể nước mưa hợp vệ sinh. Có bốn mô hình quản lý trạm cấp nước tập trung, trong đó: HTX quản lý 34 công trình, cộng đồng 34 công trình, doanh nghiệp 8 công trình, tư nhân là 18 công trình. Trung bình mỗi ngày khu vực ngoại thành thải ra môi trường 1.200 tấn rác thải sinh hoạt, 11.153 tấn chất thải chăn nuôi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.