Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Bao giờ “về đích”? (bài 1)

Nhóm PV Nông nghiệp| 16/11/2013 05:57

LTS: Với tốc độ triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung chậm như hiện nay, mục tiêu này liệu có thành hiện thực? Và bao giờ mới xóa bỏ được hết lò mổ thủ công, nhỏ lẻ?

Bài 1: Nghịch lý và bất cập

LTS: Mục tiêu của thành phố Hà Nội, đến năm 2020, khoảng 80% sản phẩm gia súc, gia cầm được quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hình thành hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn rộng khắp. Tuy nhiên, với tốc độ triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung chậm như hiện nay, mục tiêu này liệu có thành hiện thực? Và bao giờ mới xóa bỏ được hết lò mổ thủ công, nhỏ lẻ?

Bài 1: Nghịch lý và bất cập

Hầu hết các loại thịt gia súc, gia cầm (GSGC) trên thị trường thành phố Hà Nội hiện nay được cung cấp từ các lò giết mổ nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát về vệ sinh thú y. Chính thói quen và sự dễ dãi của người tiêu dùng đã tạo nên nghịch lý: Các lò mổ nhỏ lẻ sống khỏe, còn các lò mổ công nghiệp thì "sống dở, chết dở"!

Hà Nội cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung nhằm bảo đảm công tác quản lý và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Linh Ngọc


Giết mổ không cần kiểm dịch

Trong vai những người buôn bán thịt lợn, 1h30 sáng ngày 13-11, chúng tôi tìm về chợ đầu mối Sấu Giá, thuộc xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức - một trong những chợ đầu mối buôn bán thịt lợn thương phẩm lớn của Hà Nội để chứng kiến cảnh buôn bán nơi đây. Còn cách chợ khoảng 3-4km đã thấy xuất hiện những chiếc xe máy cũ nát, mỗi xe chở 2-3 con lợn đã giết mổ không được che đậy, chạy như tên bắn tiếng pô xe máy gào rú như muốn xé toang màn đêm yên tĩnh. Càng gần tới chợ, không khí nhộn nhịp càng hiện hữu; người đến, kẻ đi tấp nập. Điều đáng nói là toàn bộ xe máy chở lợn tự nhiên ra vào chợ mà không thấy bóng dáng cán bộ, nhân viên thú y nào đứng ra kiểm dịch.

Toàn bộ khu chợ có khoảng 50-60 bàn thịt lợn mổ sẵn các loại. Nhiều hộ không có bàn nên chỉ trải tạm mảnh nilon xuống nền đất ẩm thấp, ngập ngụa rồi vô tư xả thịt, lọc xương. Nước thải đen kịt, cáu bẩn đọng thành vũng, bốc mùi hôi thối, khó chịu. Trước sự ái ngại của chúng tôi về chuyện không có dấu kiểm dịch thú y, chị chủ một quầy bán buôn thịt lợn trấn an: "Không phải lo, bọn em cần giấy tờ gì chị cũng lo được tất?!".

Theo anh Tuấn, một người chuyên lấy thịt lợn ở đây để ra chợ nội thành bán lẻ, mỗi ngày có khoảng 300-400 con lợn được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở xã Dương Liễu và khu vực lân cận, rồi mang về chợ đầu mối Sấu Giá tiêu thụ. Đến khoảng 4-5h sáng, hàng chục tấn thịt lợn đã được các thương lái chở ra nội thành tiêu thụ… mà không cần biết lợn khỏe, lợn ốm thế nào.

Thiếu hệ thống phân phối

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang tồn tại 3 loại giết mổ chính, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 7 cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp và 2.500 cơ sở, điểm giết mổ thủ công, nhỏ lẻ. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 hộ làm nghề giết mổ, chủ yếu thực hiện giết mổ tại nhà. Tất cả các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công đều chưa được kiểm soát giết mổ, không đủ điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Hiện tại, chỉ có 2 cơ sở giết mổ công nghiệp hoạt động, mỗi ngày cung ứng khoảng 10 tấn thịt gia súc (đạt 12,2% công suất thiết kế) và 20 tấn thịt gia cầm (đạt 13,6% công suất). Các cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp mỗi ngày cũng chỉ cung ứng được 158 tấn thịt gia súc (đạt 74,5% công suất) và 26,2 tấn thịt gia cầm (đạt 70,8% công suất). Tuy nhiên, cả 2 loại hình này mới chỉ đáp ứng được 34,1% nhu cầu về thịt lợn và 27,3% nhu cầu thịt gia cầm của người dân Thủ đô, còn 100% thịt trâu, bò; 65,9% thịt lợn và 72,7% thịt gia cầm được cung ứng từ các lò giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong khu dân cư, từ nguồn nhập khẩu và các tỉnh xung quanh đưa vào. Như vậy, có khoảng 80% thịt GSGC đang bày bán trên thị trường chưa được kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, các cơ sở giết mổ công nghiệp đang hoạt động rất khó khăn (5/7 cơ sở ngừng hoạt động), nếu có hoạt động được cũng chỉ cầm chừng. Nguyên nhân là do cơ sở giết mổ công nghiệp thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ chế biến sau giết mổ. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị lớn dẫn tới chi phí giết mổ cao, khó cạnh tranh. Nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, chấp nhận sản phẩm không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn và các lò mổ nhỏ lẻ tồn tại. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, thiếu chỉ đạo, kiểm tra, xử lý. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển GSGC chưa đồng bộ, chưa thật sự phát huy hiệu quả. Năng lực của cán bộ, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở cấp xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu, dẫn đến việc quản lý, kiểm soát giết mổ tại cơ sở nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn… Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền (Thanh Oai), người đi tiên phong về xây dựng cơ sở giết mổ tập trung cho biết: Năm 2010, thành phố Hà Nội có chủ trương đưa 26 hộ giết mổ nhỏ lẻ ở Thịnh Liệt (Hoàng Mai) về đây. Công ty đã đầu tư khu giết mổ tập trung trị giá hơn 10 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thu hút được có 8-9 hộ giết mổ, công suất 1.500 con/ngày, lý do chính là vì cơ sở giết mổ của công ty xa trung tâm thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Bao giờ “về đích”? (bài 1)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.